12/01/2021 - 08:23

Anh tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 

Mặc dù chưa công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Pháp, Đức và Hà Lan, nhưng hiện đã có những dấu hiệu cho thấy Anh gia tăng các hoạt động tại khu vực này.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trị giá hơn 4 tỉ USD với lượng giãn nước 65.000 tấn.

Trong báo cáo gần đây, Tổ chức nghiên cứu Policy Exchange của Anh đề nghị nước này nên tập trung chuyển hướng vào Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương sau khi rời Liên minh châu Âu (EU). Tại khu vực chiếm gần phân nửa sản lượng kinh tế và hơn 50% dân số toàn cầu, tài liệu vạch ra kế hoạch Anh phối hợp chặt chẽ với các đồng minh như Úc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ðài Loan. Theo báo cáo, kể từ năm 2010, Anh quá bó buộc khi chú trọng vào thương mại với Bắc Kinh mà không thấy sự trỗi dậy của châu Á được thúc đẩy từ những đóng góp của các nước khác chứ không chỉ Trung Quốc.

Rục rịch xây dựng đối trọng

Thật ra, trước khi Anh chính thức rời EU, chính phủ Thủ tướng Boris Johnson đã bắt đầu theo đuổi các quan hệ đối tác và sáng kiến. Như hồi tháng 5-2020 chẳng hạn, Luân Ðôn cùng với các thành viên khác trong nhóm “Ngũ Nhãn” (Five Eyes, gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand) đã ra tuyên bố chung về vấn đề Hong Kong, vài tháng trước khi EU đưa ra quan điểm riêng. Thủ tướng Johnson cũng đang dẫn đầu về sáng kiến thành lập liên minh 10 quốc gia “D10”, gồm các nước thuộc G7 cùng với Úc, Hàn Quốc và Ấn Ðộ. Mục đích ra đời D10 nhằm thiết lập các nhà cung ứng thay thế về thiết bị 5G và những công nghệ khác để giảm sự thống trị của Trung Quốc về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu.

Ở phương diện thương mại, Anh đang nghiêm túc xem xét gia nhập Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đã nhận được sự ủng hộ từ các thành viên. CPTPP có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 với sự tham gia của 11 nước châu Á - Thái Bình Dương, đại diện cho 13,4% GDP toàn cầu. Theo giới phân tích, góp mặt trong CPTPP sẽ báo hiệu cho thế giới thấy rằng Anh có ý định gắn tương lai kinh tế của mình vào khu vực quan trọng về mặt chiến lược này.

Luân Ðôn cũng tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với nhiều quốc gia tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản và các thành viên Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc (FPDA - gồm Úc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh). Ðược biết, xứ sương mù đang duy trì một căn cứ quân sự tại Brunei và có quyền tiếp cận một cơ sở hỗ trợ hải quân ở Singapore.

 Ðối với Anh, thông qua những cam kết với nhóm “Ngũ Nhãn” và FDPA, nước này sẽ giữ vững thế đứng chiến lược tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

HMS Queen Elizabeth sắp đến Thái Bình Dương

Tuần rồi, Chính phủ Anh thông báo Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã đạt được năng lực vận hành ban đầu, tức ngưỡng tối thiểu để chính thức triển khai các hoạt động quân sự. Điều này đồng nghĩa HMS Queen Elizabeth (tàu chiến lớn nhất trong lịch sử Hải quân Anh) cùng các tiêm kích tàng hình F-35B, tàu ngầm và khu trục hạm, hiện có thể được triển khai làm nhiệm vụ trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận lệnh. Trong năm nay, HMS Queen Elizabeth được cho là sẽ lên đường đến châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

HẠNH NGUYÊN (Theo Diplomat)

Chia sẻ bài viết