09/05/2022 - 09:52

Ảnh hưởng của Nga tại châu Phi gia tăng 

Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, nơi nước này hưởng lợi từ làn sóng bất bình ngày càng gia tăng đối với phương Tây.

Một du khách thử súng tiểu liên Kalashnikov do Nga chế tạo tại Triển lãm Diễn đàn Kinh tế Nga - châu Phi hồi năm 2019. Ảnh: AFP

Một du khách thử súng tiểu liên Kalashnikov do Nga chế tạo tại Triển lãm Diễn đàn Kinh tế Nga - châu Phi hồi năm 2019. Ảnh: AFP

Theo tờ El Pais, giữa lúc phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Nga và Cameroon hôm 12-4 đã ký một thỏa thuận quân sự nhằm trao đổi thông tin và huấn luyện binh sĩ. Loại thỏa thuận này trở nên phổ biến ở châu Phi và tồn tại ở khoảng 20 quốc gia lục địa đen.

Thật ra, trong thập niên qua, Nga đã mở rộng ảnh hưởng trên khắp châu Phi thông qua 3 khía cạnh, gồm bán vũ khí, thúc đẩy sự hiện diện của cố vấn và binh sĩ Nga, xúc tiến các thỏa thuận thương mại và đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất ngũ cốc, khai thác năng lượng và khoáng sản.

Kể từ khi Pháp quyết định rút quân khỏi Mali, luồng vũ khí và phương tiện quân sự của Nga ồ ạt đổ về nước này. Mới đây, 2 trực thăng chiến đấu và radar của Nga đã hạ cánh xuống thủ đô Bamako. Trong khi đó, hàng trăm cố vấn quân sự Nga thuộc Công ty Wagner do nhà tài phiệt Yevgeny Prigozhin (thân tín của Tổng thống Vladimir Putin) kiểm soát đã bổ bộ đến quốc gia châu Phi này và tham gia cuộc chiến chống thánh chiến tại đây. 

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, hơn 1/3 số vũ khí mà châu Phi nhập khẩu đến từ Nga. Trong đó, các nước như Ai Cập, Algeria, Nigeria, Sudan, Angola và Mali là những quốc gia mua vũ khí Nga nhiều nhất, chủ yếu là máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tàu tấn công, xe tăng, đạn dược và hệ thống phòng không. Thông qua các thỏa thuận mua vũ khí từ Nga, các quốc gia châu Phi đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể tiếp cận với các loại vũ khí mà các nước khác từ chối bán cho họ.

“Châu Phi đang trở thành một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, vốn sẽ trở nên quyết liệt hơn trong việc chinh phục thị trường châu Phi và định vị Mát-xcơ-va là lựa chọn thay thế đối với các đối thủ cạnh tranh đến từ phương Tây” - Tatiana Smirnova, chuyên gia về quan hệ giữa Nga và châu Phi tại Đại học Quebec (Canada), nhận định. Theo ông Smirnova, Nga đang tận dụng hình ảnh mà Liên Xô trước đây tạo ra ở châu Phi thông qua việc hỗ trợ nhiều phong trào giải phóng, đào tạo sinh viên và xây dựng bệnh viện.

Theo Ngân hàng xuất nhập khẩu châu Phi, kim ngạch thương mại giữa Nga với châu Phi đạt khoảng 20 tỉ euro/năm, thua xa kim ngạch của các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Pháp hay thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ với lục địa đen. Song, chính sự trung lập của châu Phi đối với các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 đã kích thích sự quan tâm của Mát-xcơ-va đối với khu vực này.

Các khoản đầu tư của Nga vào châu Phi từ đó cũng đã tăng lên. Trong lĩnh vực khai thác, Công ty Rusal do nhà tài phiệt Oleg Deripaska, bạn thân của Tổng thống Putin, kiểm soát đã tạo dấu ấn mạnh mẽ tại châu Phi khi là nhà chiết xuất bôxít chính ở Guinea. Các công ty Nga khác như Norgold, Renova, Alrosa hay Vi Holding thì khai thác vàng, kim cương, mangan và bạch kim ở các nước như Nam Phi, Angola, Burkina Faso, Zimbabwe và Cộng hòa Trung Phi. Còn trong lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ, một số công ty Nga cũng đã có chỗ đứng tại châu Phi, đặc biệt là ở Ghana, Cameroon và Nigeria, chẳng hạn như Rosneft, Gazprom và “gã khổng lồ” Lukoil.

Dĩ nhiên không có chuyện Nga “cho không biếu không” châu Phi. Có đến 1/3 các nước châu Phi bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu lên án Nga trong cuộc chiến ở Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2-3. Tình huống này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia lục địa đen ngày càng có cảm tình đối với Nga và tỏ ra bất bình đối với phương Tây.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Nga với châu Phi theo đó cũng giảm theo. Nhưng cách nay hơn một thập niên, chính Tổng thống Putin đã tạo ra “cú lội ngược dòng”, giúp Nga xích lại gần hơn với châu Phi. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi được tổ chức ở thành phố Sochi vào năm 2019, có tới 45 nguyên thủ quốc gia từ lục địa đen đến dự. Hội nghị thứ 2 dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô Mát-xcơ-va trong năm nay.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết