ĐẶNG DUY KHÔI
Trong ngày khánh thành công trình Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6 Quân khu 9 ở Vịnh Chèo (Hậu Giang), tôi thấy nhiều tấm biển ghi dòng chữ: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước (Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Vũ Xuân)”.
Tuổi xuân đẹp mãi
Anh hùng Vũ Xuân là một trong hai cá nhân của Ðoàn 6 Pháo binh, nay là Lữ đoàn Pháo binh 6 Quân khu 9, được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Ông sinh 25-4-1946, quê ở Thái Nguyên, nhập ngũ ngày 3-7-1963. Trước lúc hy sinh, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 2311, Ðoàn 6 Pháo binh Quân khu 9.
Từ thời điểm nhập ngũ đến lúc hy sinh, ngày 13-5-1974, ông đã có 3 lần hành quân vào Nam chiến đấu, với chặng đường hơn 10.000 cây số lội suối, băng rừng, trèo đèo, vượt núi, tới những chiến trường khốc liệt nhất. Từ miền Bắc, ông hành quân vào miền Trung, qua Lào, Campuchia, rồi vào Châu Ðốc, U Minh, Rạch Giá... Trong trận tử chiến vào giữa tháng 5-1974 tại Kinh 2 - Vĩnh Tuy, khi mà chưa đầy 1 năm nữa nước nhà thống nhất, Anh hùng Vũ Xuân đã anh dũng hy sinh, lúc 29 tuổi.
Anh hùng Vũ Xuân ngày đầu nhập ngũ, tháng 7-1963. Ảnh tư liệu
Anh hùng Vũ Xuân để lại quyển nhật ký “có lửa”, được khởi ghi từ ngày 20-4-1969 đến ngày 21-9-1972 (quyển 1) và quyển 2 nối tiếp quyển 1 đến khi ông hy sinh. Trước ngày hy sinh đúng 1 tuần, như có dự cảm, Anh hùng Vũ Xuân gửi lại một số tư trang và quyển nhật ký thứ nhất cho đồng đội là ông Ðỗ Hà Thái (sau này là Ðại tá, công tác tại Cục Chính trị Quân khu 9, hiện đã về hưu, coi sóc Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6 Quân khu 9) cất giữ. Sau khi ông Xuân hy sinh, đơn vị bàn giao tư trang còn lại cho ông Thái giữ, trong đó có quyển nhật ký thứ 2, một cây đèn pin và chiếc băng để tang Bác Hồ.
Năm 1976, ông Thái về thăm gia đình Anh hùng Vũ Xuân, bàn giao kỷ vật cho gia đình, nhưng xin giữ lại quyển nhật ký thứ nhất để làm kỷ niệm. Rất tiếc, quyển nhật ký thứ hai đã thất lạc. Năm 2005, Ðại tá Ðỗ Hà Thái phối hợp với đơn vị xuất bản quyển “Nhật ký Vũ Xuân”, tạo được tiếng vang rất lớn, sau 1 năm quyển “Nhật ký Ðặng Thùy Trâm” ấn hành. Tiếp sau, phim tài liệu dài tập lần theo hành trình quyển nhật ký, về chiến trường Tây Nam Bộ nơi Anh hùng Vũ Xuân hy sinh, được thực hiện, phát sóng trên rất nhiều đài truyền hình.
Ðọc nhật ký của ông, có thể mường tượng ra một chàng trai tuổi ngoài đôi mươi yêu đời, hiền lành, cống hiến, xả thân vì Tổ quốc. Ngay trong trang đầu tiên viết ngày 21-4-1969, ông viết: “Có qua những thử thách thế này mới thấy cái muôn ngàn lần đáng quý đó là phẩm chất anh bộ đội. Vai mang nặng, đường xa, mất ngủ, người nhỏ sức yếu nhưng ai cũng hăm hở ra đi không một lời kêu ca phàn nàn. Khi cần vui, họ vẫn vui nổ trời, hát vang những ca khúc cách mạng”. Hay trang viết ngày 19-3-1971, sau khi kể về những cuộc hành quân gian lao, vất vả, nhiều bộ đội đã kiệt sức, đổ bệnh nhưng vẫn cố tiến bước, san sẻ khuân vác hành lý cho nhau, ông đúc kết: “Cái vĩ đại hết sức bình thường, hết sức đơn giản của người lính là như vậy”.
Ở tuổi đôi mươi, tình yêu chớm nở, trong một trang viết, ông tâm sự: “Em thân yêu! Anh viết tiếp bức thư không gửi được này tới em. Người con gái mà anh yêu thương... Anh thèm được sống lại những ngày ngập tràn hạnh phúc ấy, những ngày mà lần đầu tiên trong đời anh yêu và được yêu; được hưởng hương vị ngọt ngào trong trẻo của mối tình đầu của đời anh...”. Viết rồi ông tự nhủ, nhiệm vụ của ông là phải đánh Mỹ cứu nước, phải biết kềm chế cảm xúc, hy sinh hạnh phúc cá nhân - “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.
Ở “Nhật ký Vũ Xuân”, ý chí cách mạng của người lính trẻ luôn nhiệt huyết, tình cảm cách mạng là sáng trong, cao thượng. Khát khao cống hiến, khát vọng hòa bình thể hiện sâu sắc trong từng dòng nhật ký.
Tình đồng đội
Nhiều người khi kể về tình bạn, tình đồng đội của Anh hùng Vũ Xuân và Ðại tá Ðỗ Hà Thái vẫn hay ví như câu thơ của nhà thơ Chính Hữu: “Súng bên súng đầu sát bên đầu. Ðêm tối chung chăn, thành đôi tri kỷ”.
Ðó là tình đồng chí cao đẹp mà có bắt đầu chứ không có điểm dừng, dù là sinh ly tử biệt. Anh hùng Vũ Xuân lớn hơn Ðại tá Ðỗ Hà Thái 2 tuổi, nên vẫn gọi nhau là anh - em. Người quê Thái Nguyên, người quê Bắc Giang, quen và thân nhau từ giữa năm 1969 khi cùng học lớp chuyển binh chủng ở Hà Tây, cùng hành quân vào Nam chiến đấu, cùng có những ngày chiến đấu chung ở Ðoàn 6 Pháo binh nơi sông nước miền Tây. “Anh Xuân hiền lành, dễ mến. Anh em chúng tôi hễ gặp nhau là kể biết bao chuyện buồn vui trong cuộc sống, cùng động viên nhau chiến đấu” - ông Thái kể.
Như đã kể, trước ngày Anh hùng Vũ Xuân hy sinh 1 tuần, cả hai gặp nhau ở Lò Than, hướng Ngã Tư Thanh Thủy đi xuống (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Sau khi thực hiện nhiệm vụ rà soát quân số, vũ khí... ông Thái được ông Xuân giữ lại chơi. Biết bao câu chuyện kể hoài thâu đêm. Gần sáng ông Thái ngủ thì ông Xuân xách giỏ đi bắt nhái để làm bữa sáng. “Lúc đó mưa đầu mùa, ếch nhái xứ này nhiều lắm, anh Xuân vô không mấy năm mà rành như người địa phương” - ông Thái kể. Sau bữa cơm sáng cùng nhau, ông Xuân gửi một số tư trang và quyển nhật ký nhờ ông Thái giữ dùm vì lo phải đi hành quân thường xuyên, vừa nặng lại sợ mất. Ai có ngờ, đó là lần anh em gặp gỡ cuối cùng.
Một tuần sau, Anh hùng Vũ Xuân hy sinh ở Kinh 2 - Vĩnh Tuy, đơn vị biết hai ông thân nhau nên lại gửi tư trang của ông Xuân nhờ ông Thái cất giữ. Nhớ lại lời ông Xuân hay kể về quê hương Thái Nguyên sông Công núi Cốc, về cha mẹ già ngóng trông, ông Thái nuôi ý định mang kỷ vật của người anh, người đồng đội về với gia đình.
Bẵng đi thời gian, ông Thái tiếp tục chiến đấu ở nhiều địa điểm. Năm 1976, ông mới lần đầu về Thái Nguyên thăm gia đình Anh hùng Vũ Xuân. Thấy cảnh cha mẹ đã già yếu, cầm kỷ vật con mà nức nở gọi tên, ông Thái xót xa vô hạn. Ông tự nhủ, phải mang anh Xuân về với người thân, về với quê hương. Sau đó, ông Thái làm nhiệm vụ ở chiến trường Campuchia, bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng quyết tâm đó vẫn âm ỉ. Năm 1980, ông Thái tranh thủ về phép, về Nghĩa trang Kinh Hãng (Kiên Giang) để cất bốc hài cốt đồng đội. Ông kể, cây trâm bầu ông trồng làm dấu trước phần mộ mới 6 năm đã rất cao lớn, lớp đất nấm mộ đã phủ dày thêm. Từ 3 giờ chiều tới 9 giờ tối, ông hoàn thành xong việc cất bốc hài cốt đồng đội. Sáng hôm sau, ông về Cần Thơ rồi bắt xe đi TP Hồ Chí Minh để đi máy bay ra Thái Nguyên. Dự kiến bay 2 giờ nhưng do thời tiết xấu, máy bay chuyển hướng bay qua Lào rồi mới vòng về Hà Nội. Ông Thái lại tự nhủ, sao lại giống cung đường hành quân của Anh hùng Vũ Xuân hồi trước đến kỳ lạ...
Ðại tá Ðỗ Hà Thái nay đã 75 tuổi nhưng vẫn nghẹn ngào khi kể chuyện về đồng đội - Anh hùng Vũ Xuân. Ảnh: DUY KHÔI
Hài cốt Anh hùng Vũ Xuân về với quê hương đúng ngày giỗ của ông, ngày 13-5-1980, trong sự trông chờ, xúc động của cả họ tộc. Mẹ ông già yếu lụm cụm ra tận ngõ ôm hòm gỗ đựng hài cốt con mà khóc nghẹn. Sau bao ngày mệt mỏi, căng thẳng, ông Thái đã tròn tâm nguyện - người anh Vũ Xuân đã được nằm trọn trong vòng tay yêu thương của ba mẹ, anh em và họ hàng.
Từ sau khi “Nhật ký Vũ Xuân” được xuất bản và lan tỏa mạnh mẽ, ông Thái lại nghĩ tới đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Xuân. Ông đã lặn lội tìm thủ trưởng, đồng đội cũ để nhờ xác nhận, tất bật lo hồ sơ, tư liệu chứng minh. Ðể rồi ngày 9-10-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sĩ Vũ Văn Xuân (Vũ Xuân), trong niềm vui của gia đình, đồng đội. Ông Thái nói: “Ðến bây giờ những ký ức về anh Xuân tôi vẫn không thể nào quên, cả trong giấc mơ còn nhớ”. Mỗi lần về thăm quê ngoài Bắc, ông Thái vẫn không quên ghé Thái Nguyên thắp cho đồng đội nén nhang. Ông tìm lên Nghĩa trang Dốc Lim thăm phần mộ Anh hùng LLVTND Vũ Xuân, ngồi bệt xuống mà nói cùng đồng đội chuyện xưa, chuyện nay. Vậy rồi ông khóc, khóc như những lần ông kể cho chúng tôi nghe chuyện về Anh hùng Vũ Xuân.
* * *
Câu chuyện về Anh hùng LLVTND Vũ Xuân và tình đồng đội cao quý của hai người lính Cụ Hồ cứ cuốn tôi tìm về những địa danh như kênh Hãng, Vịnh Chèo, kênh Năm... và đặc biệt là Kênh 2 nơi Anh hùng Vũ Xuân đã hy sinh. Kênh 2 bây giờ thuộc ấp Vĩnh Minh, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, giáp ranh với ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, ngăn cách bởi một con sông. Theo lời tả của Ðại tá Ðỗ Hà Thái, tôi lần tìm nơi Anh hùng Vũ Xuân đã hy sinh nhưng không gặp, vì đất cũ nhưng cảnh mới. Những đồng tôm, rẫy khóm đã bạt ngàn phủ xanh trên chiến trường khốc liệt năm nào.
Hy sinh ở tuổi đời 29, khi mà chưa tròn năm nữa thì miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Anh hùng Vũ Xuân đã viết những trang nhật ký đầy lòng yêu nước, cho tuổi thanh xuân những thanh âm vang vọng mai sau.
Tháng Tư lịch sử về, kể cho nhau nghe chuyện Anh hùng Vũ Xuân, về tình đồng đội cao đẹp và về giá trị không thể đong đếm của hòa bình. Và cũng không quên nhắc nhau về lời nhắn nhủ: “Ðừng làm hoen ố máu của những người đi trước!”.