07/06/2020 - 06:51

Anh hùng Nguyễn Trung Trực trong sử sách triều Nguyễn 

Nguyễn Trung Trực là vị anh hùng trong tâm thức dân gian, với chiến công vang dội tại vàm sông Nhật Tảo năm 1861 và câu nói bất hủ trước khi tử tiết năm 1868 “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Trong bài viết này, xin giới thiệu những tư liệu triều Nguyễn ghi nhận công lao của vị anh hùng chống Pháp, cho thấy ngoài việc được nhân dân truyền tụng tôn thờ, chiến công của anh hùng Nguyễn Trung Trực còn được triều đình Vua Tự Đức đưa vào sử sách.

Châu bản Tự Đức tập 383, tờ 72 ngày 6 tháng 2 năm Tự Đức thứ 24 (26/3/1871). Nguồn: Trung tâm LTQG I - Hà Nội

Nguyễn Trung Trực tên khai sinh là Nguyễn Văn Lịch, sinh quán tại xóm Nghề (nay là xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Lúc nhỏ ông theo học võ ở vùng kinh Bảo Định, vì tính tình chất phác nên ông được thầy dạy võ đặt tên là Chơn. Ông rất giỏi võ, lại thường giao du rộng rãi với hào kiệt trong vùng nên sớm có uy tín.

Năm 1860, Nguyễn Trung Trực tham gia đạo binh đồn điền của ông Trương Định với chức Cai đội, góp phần giữ đại đồn Chí Hòa khi người Pháp xâm lược. Ngày 24-2-1861, Chí Hòa thất thủ, Trương Định lui về Gò Công, Nguyễn Trung Trực về Tân An. Lúc này, Nguyễn Trung Trực giữ chức Quyền sung Quản binh đạo, gọi tắt là Quản binh nên còn gọi là Quản Lịch hay Quản Chơn. 

Ngày 10-12-1861, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân, đánh chìm tàu Espérance của Pháp. Sau đó ông được triều đình phong chức Quản cơ. Nói về sự kiện này, sách Đại Nam Thực lục Chánh biên, đệ tứ kỷ chép: “Khi ấy quân Tây dương đỗ tàu bọc đồng ở phần thôn Nhật Tảo. Quyền sung Quản binh đạo là Nguyễn Văn Lịch sai sung Phó quản binh đạo là Huỳnh Khắc Nhượng, Nguyễn Văn Quang đều đem binh thuyền dọc theo ven sông, tới gần chỗ tàu quân Tây dương đậu, chia quân phòng bị và đặt quân phục kích, bèn đem 59 viên nhân quân chiến tâm chia làm 2 đạo, giả làm thuyền buôn thẳng tới tàu Tây dương, nhảy lên trước đâm chết 4 tên người Tây dương, những người cùng đi đều nhảy lên tàu một lượt giết bừa đi. Quân Tây dương nhảy xuống sông, hoặc chết hoặc thoát thân; còn thì chui xuống khoang thuyền chống bắn. Quang liền hô 30 tên phục binh nổi dậy tiếp chiến. Bọn quản toán là Nguyễn Học, Hương thân là Hồ Quang lấy búa sắt phá tàu của Tây dương không vỡ, tức thì phóng lửa đốt cháy hết. Vua thưởng cho Lịch chức Quản cơ, Nhượng, Quang cộng 20 người làm Cai đội, đều cho ngân tiền và thưởng chung cho binh đinh 1.000 quan tiền, 4 người bị chết cấp cho tiền tuất gấp 2 và ấm nhiêu cho con hay cháu gọi bằng chú bác ruột. Lại chẩn cấp cho những nhà thôn ấy bị Tây dương đốt cháy.

Thự Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, lãnh Tuần phủ Định Tường là Đỗ Thúc Tịnh đều nói trận này là trận xuất sắc nhất, cho nên mới thưởng cho hậu”.

Sau khi Biên Hòa, Gia Định, Định Tường rơi vào tay Pháp, Nguyễn Trung Trực ra Bình Định nhận chức Lãnh binh vào đầu năm 1867, đến giữa năm 1867 ông được phong chức Thành thủ úy Hà Tiên nhưng chưa kịp đến nơi thì thực dân Pháp đã chiếm Hà Tiên, ông phải lui về Hòn Chông lập căn cứ chống Pháp. 

Sau đó, lực lượng Nguyễn Trung Trực lập căn cứ ở vùng Bảy Núi. Bị quân Pháp tấn công, ông lui quân ra đảo Phú Quốc. Giặc lại bao vây Phú Quốc, nghĩa quân rút lên núi, Huỳnh Công Tấn ra sức khủng bố dân làng nhằm gây sức ép với nghĩa quân. Nguyễn Trung Trực rơi vào thế thắt ngặt: vợ vừa mới sinh lại phải chạy giặc nên suy kiệt rồi mất, nghĩa quân đã cạn lương thực, nước uống và đạn dược, dân làng lại bị vạ lây vì nghĩa quân nên Nguyễn Trung Trực quyết định nộp mình cho giặc vào ngày 19-9-1868.

Mặc cho Đề đốc Ohier ra sức chiêu dụ, Nguyễn Trung Trực khẳng khái chối từ để nhận án tử tại Rạch Giá vào ngày 27-10-1868 (nhằm ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn) để lại câu nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. 

Từ sau khi Nguyễn Trung Trực tử tiết, triều đình Vua Tự Đức đã bí mật cho người đi dò la để nắm rõ sự trạng nhằm hậu báo tri ân. Chúng tôi tìm thấy trong khối châu bản triều Nguyễn (hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) có các châu bản sau:

- Châu bản Tự Đức tập 383, tờ 72 ngày 6 tháng 2 năm Tự Đức thứ 24 (26-3-1871):

“Viện Cơ mật trích tư:

Ngày tháng 12 năm ngoái, bổn viện có làm tờ phiến đem mật tư của quý chức cùng các tờ bẩm trình tình hình thám báo tất cả là 8 bản trang, căn cứ hồi báo của Huỳnh Phục Thái về sự trạng tử tiết của Hồ Huân Nghiệp và Nguyễn Trung Trực kính trình lên.

Vâng được Châu phê: Cứu xét lại cho rõ ràng, 2 viên ấy sự trạng thế nào, xuất thân là gì, đã từng làm quan chưa, theo người nào, làm việc gì, chết ngày nào, có thể biết rõ ràng được không, đều phúc trình lên.

Vậy xin trích tư cho quan Điển nông sứ tỉnh Khánh Hoà Phan quý chức [Phan Trung] tuân theo thực hiện”.

- Châu bản Tự Đức tập 364, tờ 6 ngày 14 tháng 5 năm Tự Đức thứ 24 (1-7-1871):

“Chúng thần viện Cơ mật tâu:

Ngày tháng 12 năm ngoái, nhận được phiến tấu của quan Điển Nông sứ Phan Trung, căn cứ Huỳnh Phục Thái thám báo gửi về sự trạng tử tiết của Hồ Huân Nghiệp và Nguyễn Trung Trực, đã tâu trình đầy đủ lên.

Vâng được châu phê: Xem xét lại cho rõ đầu đuôi sự trạng của 2 viên đó, xuất thân từ đâu, từng làm quan chưa, theo người nào, làm việc gì, chết ngày nào mới có thể biết xứng đáng hay không, rồi tâu hết lên.

Chúng thần đã lục giao thực hiện. Nay nhận được tờ phúc của viên đó nói rằng, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Trung Trực làm gì, chết ngày nào, thì hỏi các người Trung Nam đến nói không biết rõ. Xin chờ viên đó phái người do thám cho rõ xin sẽ phúc đáp”.

- Châu bản Tự Đức tập 233, tờ 218 ngày 19 tháng 12 năm Tự Đức thứ 23 (8-2-1871):

“Chúng thần Viện Cơ mật tâu:

Ngày mùng 9 tháng nầy nhận được mật tư của Điển nông sứ Phan Trung đính kèm 8 trang bẩm báo về tình hình do thám….

...Lại căn cứ Nguyễn Hữu Huân kể lại Hồ Huân Nghiệp cùng với quan Tây tranh luận, Nguyễn Văn Kiểng bí mật ghi chép Nguyễn Trung Trực và Trần Văn Diệu, Lâm Ky, Dương Thuyên, Nguyễn Văn Điền. Tất cả họ đều tử tiết, sự trạng đều giữ nghĩa quyên thân, thật đáng thương xót! Tháng 8 năm nay, thần viện biết tin kính theo lời phê làm lễ tế những người Nam Trung tuẫn nghĩa, tưởng cũng phần nào an ủi.

Lại kính phụng châu phê, trong đó có khoản: chờ khi có cơ hội tra cứu truy lục lại đầy đủ báo đền hậu đãi. Khâm thử”.

Từ các tài liệu trên cho ta một cái nhìn khác về sự ghi nhận công lao đóng góp của những anh hùng chống Pháp của triều Nguyễn nói chung, Vua Tự Đức nói riêng. Với tấm lòng yêu nước và những chiến công vang dội cùng câu nói bất hủ, anh hùng Nguyễn Trung Trực xứng đáng được nhân dân, đất nước đời đời tưởng nhớ, tri ân.

Sen Hồng

Chia sẻ bài viết