14/08/2023 - 21:03

Anh đóng tàu ngầm hạt nhân mới 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Hải quân Hoàng gia Anh đang đóng một lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo vận hành bằng năng lượng hạt nhân mới. Ðiểm đáng chú ý là tên của những tàu ngầm mới này làm gợi nhớ về HMS Dreadnought, siêu chiến hạm từng làm thay đổi bản chất chiến tranh trên biển.

Hình ảnh minh họa tàu ngầm lớp Dreadnought. Ảnh: naval-technology.com

Anh năm 1906 đã đưa vào hoạt động chiếc HMS Dreadnought, thiết giáp hạm làm thay đổi cách thiết kế tàu chiến trên mặt nước và châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang hải quân. HMS Dreadnought được trang bị 10 pháo cỡ nòng 304mm trên 5 tháp pháo và có tốc độ hành trình gần 39km/h. Nhờ sở hữu nhiều pháo hạng nặng tầm xa và tốc độ cao hơn bất kỳ thiết giáp hạm nào thời đó cũng như được trang bị thiết bị điều khiển hỏa lực điện tử, HMS Dreadnought có thể tiêu diệt đối phương từ xa, trở thành tiêu chuẩn cho các thiết giáp hạm tương lai.

Sau hơn 100 năm, Bộ Quốc phòng Anh cùng với BAE Systems và Rolls-Royce hồi năm 2021 đã ký kết kế hoạch quốc phòng chung gọi là “Kế hoạch phòng thủ trong thời kỳ cạnh tranh”, đóng 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Dreadnought, gồm HMS Dreadnought, HMS Valiant, HMS Warspite và HMS King George VI. Ðộng thái này được cho một lần nữa mở ra kỷ nguyên tàu chiến mới và lấp đầy khoảng trống trong khả năng răn đe hạt nhân của xứ sở sương mù.

Với chiều dài 153m và lượng giãn nước 17.200 tấn, Dreadnought sẽ là loại tàu ngầm lớn nhất từng được đóng cho Hải quân Hoàng gia Anh. Mỗi chiếc tàu ngầm Dreadnought được tích hợp tên lửa đạn đạo Trident II D5 và được PWR3, một lò phản ứng hạt nhân mới do Rolls-Royce chế tạo, cung cấp năng lượng.

Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Dreadnought được trang bị bánh lái chữ X cho khả năng cơ động tốt hơn và động cơ turbo-điện mới. Mặc dù hệ thống truyền động turbo-điện đã được sử dụng trên các tàu ngầm hạt nhân trước đây, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên được sử dụng trên các tàu sản xuất hàng loạt. Dreadnought sẽ sử dụng động cơ đẩy bơm phun cải tiến, êm ái hơn. Con tàu gần như chắc chắn sẽ có động cơ điện tích hợp và được điều khiển bằng động cơ điện thay vì tuabin hơi nước được sử dụng trên tàu ngầm hạt nhân Anh hiện nay.

Anh còn có kế hoạch trang bị cho các tàu ngầm lớp Dreadnought các cột quang điện tử, thay thế cho các kính tiềm vọng truyền thống vốn được sử dụng trên các tàu ngầm lớp Astute hiện nay. Ngoài ra, chúng còn được lắp đặt 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và mang ngư lôi hạng nặng Spearfish. Song, vũ khí chính của chúng sẽ là 12 tên lửa đạn đạo Trident II D5, mang đầu đạn hạt nhân Mk4/A. Các tên lửa Trident D5 do Mỹ cung cấp theo Chương trình tên lửa chung của Mỹ và Anh được thiết lập năm 2008 nhằm trang bị hệ thống phóng tên lửa chung cho tất cả tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) tương lai của 2 nước. Giống như các tàu ngầm tàng hình hiện có, các tàu ngầm lớp Dreadnought cũng sẽ có khả năng chống lại sự phát hiện và theo dõi điện từ.

Ngoài việc là tàu ngầm lớn nhất của Anh từ trước đến nay, các tàu ngầm lớp Dreadnought sẽ là một trong những dự án quốc phòng tốn kém nhất lịch sử nước này. Ước tính, việc đóng 4 tàu ngầm nói trên dự kiến sẽ “ngốn” hơn 39,5 tỉ USD. Ngoài ra, Chính phủ Anh còn thành lập một quỹ dự phòng trị giá khoảng 12,75 tỉ USD để giữ cho chương trình “đi đúng hướng”.

Phát biểu với Hãng tin Reuters, Jeremy Quin, giám đốc cơ quan mua sắm thuộc Bộ Quốc phòng Anh, cho rằng các tàu ngầm lớp Dreadnought sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ an ninh quốc gia.

Chia sẻ bài viết