12/09/2023 - 21:50

Anh chia rẽ vì vụ bắt “gián điệp” Trung Quốc 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Ngày 11-9, Chính phủ Anh đã bác bỏ những lời kêu gọi xác định Trung Quốc là mối đe dọa đối với nước này sau khi lộ thông tin một nhà nghiên cứu công tác tại Quốc hội bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh. Bê bối diễn ra giữa lúc Anh muốn “cài đặt lại” quan hệ với Trung Quốc sau nhiều năm đóng băng.

Vụ bắt giữ gián điệp khiến Thủ tướng Anh Rishi Sunak đau đầu. Ảnh: AFP

Chọc giận các nghị sĩ “diều hâu”

Các nhân vật “hiếu chiến” trong đảng Bảo thủ cầm quyền tiếp tục kêu gọi thể hiện quan điểm cứng rắn hơn sau khi cảnh sát Hoàng gia Anh cuối tuần qua xác nhận rằng một người đàn ông 28 tuổi và một người khoảng 30 tuổi bị bắt hồi tháng 3 dựa theo Luật Bí mật chính thức của Anh. Cả hai người này đã nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại cho đến đầu tháng 10.

Tờ The Sunday Times tiết lộ người đàn ông 28 tuổi là một nhà nghiên cứu và ông làm việc cùng các nghị sĩ đảng Bảo thủ trong một nhóm tập trung vào chính sách về Trung Quốc. Nhờ có giấy thông hành, người này được phép tiếp cận tòa nhà Quốc hội Anh. Trong tuyên bố do các luật sư công bố hôm 11-9, nhà nghiên cứu trên khẳng định ông “hoàn toàn vô tội”. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh “không tồn tại cái gọi là hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở Anh” và Bắc Kinh thúc giục Luân Ðôn ngừng phát tán “thông tin không chính xác, lời bôi nhọ độc hại”.

Theo tờ Guardian, vụ bắt giữ nhà nghiên cứu diễn ra âm thầm và cảnh sát cũng đã không công khai vụ việc. Do vậy, các nghị sĩ Anh đang rất tức giận trước sự im lặng trong 6 tháng qua. Tại Hạ viện, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith nói vụ bắt giữ là “thông tin đáng lo ngại” cho thấy một nhóm gián điệp Trung Quốc có thể đang hoạt động ngay tại trung tâm hệ thống chính trị Anh. Ông Smith là một trong 5 nghị sĩ từng bị Trung Quốc đưa vào danh sách trừng phạt hồi năm 2021. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Liz Truss thúc giục chính phủ “thừa nhận rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới và nước Anh”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch cho rằng Luân Ðôn nên tránh gọi Trung Quốc là “kẻ thù” hoặc sử dụng ngôn ngữ có thể làm “leo thang” căng thẳng, nhưng có thể gọi nước này là “sự thách thức”. “Trung Quốc là quốc gia mà chúng ta hợp tác kinh doanh nhiều. Trung Quốc là nước có vai trò quan trọng xét về kinh tế thế giới và cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, ông Badenoch giải thích với tờ Sky News.

Thế khó cho ông Sunak

Khi gặp người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Ðộ hôm 10-9, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nêu lên “những lo ngại sâu sắc về bất cứ sự can thiệp nào vào dân chủ trong Quốc hội Anh” và gọi đây là “điều không thể chấp nhận”. Cuộc gặp này diễn ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Anh James Cleverly thực hiện chuyến thăm tới Bắc Kinh, chuyến đi cấp cao nhất của một chính khách Anh tới Trung Quốc trong vòng 5 năm.

Hồi tháng 4 năm nay, ông Cleverly đã công khai “cài đặt lại” chính sách đối ngoại của Anh đối với Trung Quốc trong bài phát biểu đáng chú ý. Khi đó, ông Cleverly khăng khăng Anh phải “hợp tác mang tính xây dựng và mạnh mẽ với Trung Quốc nhằm quản lý những rủi ro và tạo ra kết quả”. Sang tháng 5, Chính phủ Anh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc khi Bộ trưởng Ðầu tư Dominic Johnson đến thăm Hong Kong, chuyến công du đầu tiên của một quan chức cấp cao Anh tới đặc khu hành chính này trong 5 năm.

Chính phủ của Thủ tướng Sunak đã siết chặt đầu tư của Trung Quốc ở các lĩnh vực then chốt như nhà máy điện hạt nhân và mạng điện thoại 5G. Tuy nhiên, một số nhân vật trong đảng Bảo thủ muốn đi xa hơn và tuyên bố Trung Quốc là mối đe dọa, thay vì từ “thách thức” mà ông Sunak muốn dùng. 

Chia sẻ bài viết