05/04/2020 - 11:09

Ăn uống đúng cách trong thời gian tự cách ly 

Thay vì lo lắng khi phải hạn chế ra đường trong thời gian “cách ly toàn xã hội”, bạn hãy tận dụng thời gian này để chăm sóc gia đình bằng một chế độ ăn lành mạnh. Dinh dưỡng tốt giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và tâm trạng, cũng như giữ hệ miễn dịch luôn “sẵn sàng chiến đấu” với bệnh COVID-19. Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn ăn uống cân bằng trong thời gian ở nhà:

Để đảm bảo sức khỏe trong thời gian cách ly, cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm.

+ Chấp nhận chế độ ăn không hoàn hảo và tìm nguồn hỗ trợ khi cần thiết. Bạn có thể đang theo đuổi một chế độ ăn kiêng nào đó trước giai đoạn cách ly toàn xã hội, song đây không phải là vấn đề ưu tiên hiện nay, ít nhất là cho đến khi dịch COVID-19 lắng xuống. Thay vì lo lắng không thể có được bữa ăn hoàn hảo, bạn chỉ cần mua thực phẩm cơ bản thường dùng, linh hoạt tận dụng thực phẩm khô hoặc đông lạnh sẵn có trong tủ để chế biến món ăn mới và lành mạnh, xem đây như một thách thức thú vị trong giai đoạn tạm cách ly xã hội này. Bạn cũng có thể tham khảo công thức nấu nướng trên mạng để thay đổi cách kết hợp thực phẩm sao cho vẫn ngon miệng, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.

Để hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà, bạn hãy tận dụng các kênh mua sắm hiện đại để mua thực phẩm và thức ăn vặt, như đặt hàng qua mạng hoặc gọi điện yêu cầu các cửa hàng tiện lợi, siêu thị giao đến tận nhà.

+ Ưu tiên vấn đề an toàn thực phẩm. Đây là việc rất quan trọng, vì nếu phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm trong thời gian cách ly xã hội thì nghĩa là bạn đã phá vỡ luôn mục tiêu chính của quá trình cách ly. Do vậy, cần nắm rõ những nguyên tắc an toàn trong bảo quản và chế biến thực phẩm.

Cụ thể, đối với thịt trữ đông thì cần rã đông bằng cách chuyển xuống ngăn mát tủ lạnh hoặc đặt dưới vòi nước chảy trước khi đem chế biến, bởi việc để thịt ra ngoài ngay dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, cũng như đảm bảo nấu chín thịt hoàn toàn khi dùng. Đối với thực phẩm đóng hộp, cần quan sát kỹ và tránh mua hộp có vết nứt/hở, vì đó là nơi vi khuẩn có thể xâm nhập. Đối với sản phẩm tươi sống, ưu tiên sử dụng trước vì nó hư nhanh nhất, đồng thời tránh ăn thực phẩm đã có nấm mốc hoặc mùi lạ. Đối với thức ăn thừa, nhanh chóng trữ trong tủ lạnh hoặc đổ bỏ sau 3 đến 4 ngày.

+ Tránh ăn uống vô độ do buồn chán và căng thẳng tinh thần (stress). Khi tự cách ly tại nhà, bạn dễ rơi vào cảnh “ăn tối ngày” để đỡ thấy buồn chán hoặc bớt stress. Trên thực tế, hành vi ăn uống vô độ không hề tốt cho sức khỏe, nên cần thay thế nó bằng các hoạt động giúp bạn luôn bận rộn mà vẫn có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn: tập thiền, cầu nguyện, tập thể dục, viết nhật ký, chơi với con hoặc thú cưng…Nếu muốn nhâm nhi, hãy ưu tiên những món ăn vặt vừa ngon vừa lành như trái cây tươi, trái cây sấy, các loại đậu và hạt.

+ Lên sẵn thực đơn. Việc lên kế hoạch chế biến thức ăn mỗi ngày giúp đảm bảo tiêu thụ đúng lượng thực phẩm đã dự trữ một cách khoa học, dinh dưỡng và không thừa mứa gây lãng phí. Hãy nhớ là việc thiết kế món ăn không nhất thiết phải hoàn hảo, chỉ cần cố gắng đảm bảo mỗi bữa ăn đều cung cấp đủ chất đạm (từ cá, thịt, trứng hoặc từ nguồn thực vật như đậu hũ, bơ đậu phộng), chất xơ (từ rau, củ, quả) và chất bột đường từ gạo và ngũ cốc.

HẢI NGUYỆT (Theo Greatist.com)

Chia sẻ bài viết