14/12/2009 - 21:12

Ăn uống để lợi cho sức khỏe lẫn môi trường

Để hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu và tỷ lệ gia tăng những căn bệnh liên quan đến chế độ ăn uống như bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư, Ủy ban phát triển bền vững (SDC) thuộc chính phủ Anh kêu gọi mọi người nên sử dụng thực phẩm theo cách tích cực hơn. Dưới đây là 3 giải pháp SDC đưa ra nhằm cải thiện sức khỏe và góp phần bảo vệ Trái đất:

1. Giảm thịt và các sản phẩm từ sữa

-Lợi ích sức khỏe: Hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một số dạng ung thư và các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật.

Ảnh: ChinaDaily 

- Lợi ích môi trường: Làm giảm đáng kể hàm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế nạn phá rừng, chuyển diện tích đất nông nghiệp (dùng chăn nuôi) sang phục vụ các mục đích khác (như trồng cây lương thực), giải phóng áp lực đối với nguồn nước, làm chậm quá trình suy giảm đa dạng sinh học.

- Tác động tiêu cực: Giải pháp này có thể ảnh hưởng ngành chăn nuôi của thế giới và gia tăng nguy cơ thiếu sắt, canxi và kẽm ở người.

2. Hạn chế thực phẩm béo, ngọt và chứa chất kích thích

- Lợi ích cho sức khỏe: Giúp giảm nguy cơ béo phì, sâu răng và đặc biệt cải thiện sức khỏe của những người có thu nhập thấp.

- Lợi ích cho môi trường: Hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bởi quá trình chế biến thực phẩm và sản xuất thức uống đóng chai tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Giảm diện tích đất (dành để xây nhà máy sản xuất thực phẩm).

- Tác động tiêu cực: Ảnh hưởng ngành chế biến thực phẩm.

3. Không chế biến thức ăn dư thừa

- Lợi ích cho sức khỏe: Hạn chế được các vấn đề liên quan đến béo phì, giảm ô nhiễm không khí do quá trình vận chuyển thực phẩm tạo ra và hạn chế được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

- Lợi ích cho môi trường: Giảm thải khí nhà kính và rác thải nông nghiệp.

- Tác động tiêu cực: Thu hẹp phạm vi hoạt động của ngành cung cấp thực phẩm cũng như qui mô giao thương giữa các nước, làm gia tăng mức độ tiêu thụ rau quả đóng hộp vốn có giá trị dinh dưỡng thấp hơn.

Ngoài ra, SDC đề nghị chúng ta nên ăn nhiều trái cây và rau củ tươi sống; chỉ nên ăn cá từ các nguồn cung cấp bảo đảm; ưu tiên sử dụng thực phẩm được sản xuất với tiêu chí bảo vệ môi trường; mua thực phẩm sản xuất tại địa phương; chế biến và bảo quản thực phẩm theo cách tiết kiệm năng lượng, và nói “không” với nước uống đóng chai.

THỤY TRÚC (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết