01/08/2020 - 17:30

Ấn, Trung chạy đua xây dựng dọc biên giới tranh chấp 

Ấn Độ và Trung Quốc đều đang vung tiền và nhân lực để thiết lập nhiều tuyến đường bộ, đường sắt và sân bay dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) cũng như hiện đại hóa khí tài quân sự tại khu vực.

Nhiều công trình đồ sộ của Ấn Độ

Theo BBC, Ấn Độ hồi năm ngoái đưa vào vận hành tuyến đường Darbuk-Shyok dài 255km sau gần 2 thập kỷ thi công. Tuyến đường tọa lạc trên độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển tại khu vực Ladakh, kết nối đường băng Daulat Beg Oldi với Leh (thủ phủ Ladakh), qua đó giúp đẩy nhanh việc triển khai binh sĩ và khí tài quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột. Hiện Ấn Độ cho xây dựng thêm nhiều tuyến đường cũng như nhiều cây cầu để kết nối Darbuk-Shyok với các căn cứ tiếp tế vùng nội địa và các tiền đồn biên giới tại LAC, cho phép các đội tuần tra mở rộng địa bàn kiểm soát và thay đổi chiến thuật ứng phó tại khu vực.

Binh sĩ Trung Quốc tu sửa tuyến đường sắt dọc biên giới với Ấn Độ. Ảnh: BBC

Tuyến đường nói trên được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15-6 tại Thung lũng Galwan, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, làm dấy lên mối lo ngại rằng căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân sẽ không có hồi kết. Song, bất chấp cuộc đụng độ này, Ấn Độ có kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực. Theo đó, New Delhi đang trong quá trình đưa 12.000 công nhân từ bang Jharkhand đến xây dựng các tuyến đường dọc biên giới với Trung Quốc ở Ladakh, bang Himachal Pradesh và bang Uttarakhand. Tổng cộng, 73 tuyến đường chiến lược và 125 cây cầu đã được Ấn Độ phê chuẩn tại các khu vực dọc theo LAC nhưng tiến độ xây dựng còn chậm. Cho đến nay, chỉ 35 tuyến đường đã được hoàn thành, 11 tuyến đường khác dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm nay. Ấn Độ cũng đã phê duyệt 9 tuyến đường sắt chiến lược, chạy dọc theo biên giới với Trung Quốc.

Về kết cấu hạ tầng hàng không, Ấn Độ hiện có khoảng 25 sân bay dọc theo LAC và đang tập trung mở rộng mạng lưới bãi đáp tiên tiến (ALG). Năm 2018, Ấn Độ đã thông báo sẽ hiện đại hóa 8 ALG hiện có và thành lập 7 ALG mới gần khu vực biên giới với Trung Quốc. Đặc biệt, New Delhi cũng tăng cường năng lực của Chabua, căn cứ không quân quan trọng ở bang Assam khi triển khai đến đây chiến đấu cơ tối tân Sukhoi-30 và máy bay trực thăng Chetak. Chabua gần đây cũng được cải tạo và hiện đại hóa.

Trung Quốc bắt đầu tăng tốc

Trong khi đó, Trung Quốc trong nhiều năm qua cũng tăng cường xây dựng mạng lưới các căn cứ không quân và cơ sở hạ tầng khác dọc theo biên giới với Ấn Độ, bao gồm việc mở rộng tuyến đường biên giới gần khu giao nhau với Ấn Độ và Bhutan. Trung Quốc bắt đầu xây dựng các tuyến đường ở vùng Himalaya từ đầu những năm 1950 và hiện có mạng lưới đường bộ, đường sắt rộng lớn ở Tây Tạng và tỉnh Vân Nam.

Kể từ năm 2016, Bắc Kinh ra sức kết nối các khu vực gần biên giới với Ấn Độ, Bhutan và Nepal; mở rộng tuyến đường Tân Cương-Tây Tạng cũ thành Quốc lộ 219 dọc theo biên giới phía Tây với Ấn Độ, trong khi tuyến đường nối huyện Medog (địa khu Nyingchi) với huyện Zayu (địa khu Qamdo) thuộc khu tự trị Tây Tạng sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường sắt mới, nối Shigatse, thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, với Thành Đô (tỉnh lỵ Tứ Xuyên) thông qua địa khu Nyingchi gần biên giới Ấn Độ. Một tuyến đường sắt khác cũng được lên kế hoạch, nối Shigatse với Yadong, trung tâm thương mại gần đó.

Hiện Trung Quốc có khoảng một chục sân bay ngay tại khu vực biên giới với Ấn Độ, 5 trong số này được sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự. Bắc Kinh còn có kế hoạch xây dựng 3 sân bay mới ở đó, nâng cấp sân bay Shigatse, Ngari Gunsa, Lhasa và Gonggar. Mới đây, một đơn vị tên lửa đất đối không và nhiều chiến đấu cơ tiên tiến đã được Trung Quốc triển khai tới sân bay Ngari Gunsa cao hơn mực nước biển 4.274m.

So sánh sức mạnh

Nhìn chung, những cải tiến về kết cấu hạ tầng tại khu vực biên giới Trung-Ấn nhằm mục đích chính là cho phép nhanh chóng triển khai quân đội và khí tài quân sự đến biên giới trong trường hợp xảy ra xung đột toàn diện giữa hai nước. Do có nhiều đường bộ, đường sắt và sân bay biên giới, nên quân đội hai nước có rất nhiều phạm vi đụng độ trong tương lai. 

Về sức mạnh không quân, các chuyên gia quân sự cho rằng Ấn Độ có lợi thế tương đối, vì các căn cứ của Trung Quốc thường cách xa LAC và ở độ cao cao hơn, nơi không khí mỏng hơn có nghĩa các máy bay phản lực có thể mang ít nhiên liệu và tải trọng hơn. Báo cáo năm 2019 của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhận định, một khi các dự án tham vọng của mình hoàn thành, số lượng lớn quân lực Ấn Độ có thể tự do di chuyển trong một số khu vực trọng yếu đang tranh chấp với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Rajeswari Pillai, nhà nghiên cứu của Observer Research Foundation, kết cấu hạ tầng quân sự của Ấn Độ chủ yếu nhằm phòng thủ, trong khi quy mô và năng lực của các công sự Trung Quốc mang tính tấn công, có sức cơ động  và tập trung lực lượng đến bất kỳ địa điểm tranh chấp nào với Ấn Độ. 

 

HOÀNG NAM

Chia sẻ bài viết