27/12/2021 - 11:30

Ấn Độ “ve vãn” các nước Trung Á 

Chính phủ Ấn Ðộ vừa chính thức gửi lời mời lãnh đạo 5 quốc gia Trung Á, gồm Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đến tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 73 Ngày Cộng hòa (Quốc khánh) diễn ra vào 26-1-2022. Ngoài ra, New Delhi còn dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Ấn Ðộ - Trung Á gần thời điểm đó.

Lãnh đạo ngoại giao các nước tham dự Ðối thoại Ấn Ðộ - Trung Á lần thứ 3. Ảnh: Reuters

Không muốn “mất phần”

Ðộng thái trên phản ánh vị trí, vai trò quan trọng của Trung Á trong chính sách đối ngoại của Ấn Ðộ và được giới chuyên gia xem là kịp thời trong bối cảnh Taliban tiếp quản Afghanistan đã biến khu vực trở thành đấu trường địa chính trị, chứng kiến cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc. Trong khi Nga cố gắng bảo vệ “sân sau” của mình, Mỹ muốn quay lại Trung Á, thì Trung Quốc ra sức củng cố các mục tiêu địa chính trị và địa kinh tế tại khu vực.

Về phần mình, Ấn Ðộ vài năm qua đã mở rộng hoạt động tới Trung Á với tầm nhìn mạnh mẽ, tập trung hơn thông qua trao đổi song phương và tương tác với khu vực. Ðặc biệt, Ðối thoại Ấn Ðộ - Trung Á lần thứ ba được tổ chức tại thủ đô New Delhi vào trung tuần tháng 12 vừa qua với sự tham dự của các ngoại trưởng đến từ 5 nước Trung Á đã thể hiện sự tin cậy lẫn nhau và sự hợp tác cao độ giữa hai bên.

Ðúng như dự đoán, Afghanistan là đề tài thảo luận chính của đối thoại. Các ngoại trưởng nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với một Afghanistan hòa bình, an toàn và ổn định, xem trọng sự cần thiết của việc tôn trọng chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Kabul. Họ cũng đồng ý tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Afghanistan.

Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Ấn Ðộ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định: “Tất cả chúng ta đều chia sẻ mối quan hệ lịch sử và văn minh sâu sắc với Afghanistan. Mối quan tâm và mục tiêu của chúng ta ở quốc gia đó là tương tự nhau: một chính phủ bao trùm và mang tính đại diện thực sự tại Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố và buôn bán ma túy, đảm bảo viện trợ nhân đạo không bị cản trở và bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em và người thiểu số. Chúng ta phải tìm cách giúp đỡ người dân Afghanistan”.

Quan hệ lâu đời với khu vực

Thật ra, Ấn Ðộ có mối liên hệ lịch sử và văn hóa chặt chẽ với Trung Á. Sự tương hỗ về di sản văn hóa phong phú đã tạo nên nền móng cho sự gắn kết ngoại giao trong thời hiện đại. Ðáng chú ý, quan hệ ngoại giao song phương đã phát triển mạnh thời gian gần đây. Chuyến công du của Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi tới 5 nước Trung Á vào năm 2015 và việc New Delhi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2017 đã mở đường cho quan hệ hợp tác chiến lược nâng cao giữa New Delhi và các nước Trung Á (4 nước Trung Á gồm Tajikistan, Uzbekistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan cũng là thành viên SCO). Bên cạnh đó, cơ chế đối thoại Ấn Ðộ - Trung Á đã giúp New Delhi vươn xa hơn tới khu vực. Ngoài ra, đối thoại này cũng nhằm thiết lập sự hợp tác giữa các tổ chức quốc gia trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng tái tạo, thông tin, kỹ thuật số, năng lượng xanh và các công nghệ tiên tiến khác.

Hợp tác chiến lược Ấn Ðộ và Trung Á được hưởng lợi từ khuôn khổ đối thoại trên. Nhiều sáng kiến được trình bày tại Ðối thoại lần thứ nhất năm 2019 đã thành hiện thực, gồm việc thành lập Hội đồng Kinh doanh Ấn Ðộ - Trung Á. Tại đối thoại lần thứ hai hồi năm ngoái, Ấn Ðộ đã thông qua hạn mức tín dụng trị giá 1 tỉ USD cho các dự án phát triển tại khu vực trong các lĩnh vực năng lượng, chăm sóc sức khỏe, kết nối, công nghệ thông tin, nông nghiệp, giáo dục…Trong khi đó, đối thoại lần thứ ba vừa qua tạo tiền đề cho việc tăng cường quan hệ song phương.

Ðáng chú ý, Ấn Ðộ giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Trung Á. Ngoài ra, Trung Á còn là thị trường béo bở đối với ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Ðộ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết