01/12/2018 - 18:43

Ấn Độ vất vả đối phó “Con đường tơ lụa số” 

Ngành công nghệ Trung Quốc đang xâm nhập vào Nam Á và điều này khiến Ấn Độ phải nỗ lực cạnh tranh nhằm đối phó với những hậu quả lâu dài.


Vệ tinh Nam Á của Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Theo tờ The Diplomat, khái niệm “Con đường tơ lụa số” thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường-BRI” của Trung Quốc đã hiện hữu trong vòng vài năm qua nhằm mục đích xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc, cấu trúc di động và liên kết thương mại điện tử ở các quốc gia tham gia BRI. Song, nó ít được giới quan sát quốc tế chú ý hơn so với các dự án cơ sở hạ tầng như cảng và đường sắt. 

Hiện Trung Quốc có lượng bài luận học thuật liên quan tới công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều nhất thế giới và sở hữu hơn 1/5 bằng sáng chế về AI của thế giới. Các “ông lớn” công nghệ tại Trung Quốc như Baidu và Tencent hiện đang nỗ lực nghiên cứu phát triển để có thể cạnh tranh với gã khổng lồ tìm kiếm Google. Theo Kế hoạch Phát triển AI thế hệ tiếp theo, AI sẽ tạo ra các lĩnh vực hoàn toàn mới cho nền kinh tế Trung Quốc, ước tính trị giá 150 tỉ nhân dân tệ (khoảng 21,6 tỉ USD) vào năm 2030. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng một công viên công nghệ với tổng vốn đầu tư 2,1 tỉ USD dành riêng cho việc phát triển AI. Bắc Kinh xem AI như là một công nghệ cốt lõi đối với sự tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, dẫn đầu làn sóng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như thu hút nhân tài.

Thị trường viễn thông của Trung Quốc cũng được cho mở rộng hơn nữa khi mà công nghệ 5G được thiết lập trở thành “xương sống” của nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc. 5G hiện được xem là yếu tố quan trọng để thực hiện các dự án tương lai trong các lĩnh vực như xây dựng thành phố thông minh, Internet vạn vật, robot, hệ thống AI cũng như các công nghệ tiên tiến khác, Trung Quốc do đó đang hướng tới việc phát triển và ứng dụng công nghệ này. Theo đó, China Mobile, China Unicom và China Telecom, 3 công ty viễn thông nhà nước của Trung Quốc, đang có kế hoạch đầu tư khoảng 180 tỉ USD để tạo ra cơ sở hạ tầng dành cho mạng 5G trong vòng 7 năm tới.

Tương tự, ngành công nghiệp vệ tinh không gian và truyền thông của Trung Quốc cũng không ngừng phát triển. Trung Quốc hiện đã mở rộng phạm vi phủ sóng của hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu đến hầu hết các quốc gia tham gia sáng kiến BRI và đặt mục tiêu phủ sóng toàn cầu vào năm 2020.

Ngược lại, Ấn Độ đến nay vẫn chưa xây dựng được một chiến lược thống nhất để có thể cạnh tranh với “Con đường tơ lụa số” của Trung Quốc, trong bối cảnh New Delhi tiếp tục thúc đẩy chính sách “láng giềng trên hết” mà biểu hiện rõ nét là việc phóng Vệ tinh Nam Á hồi tháng 5-2017.

Theo giới chuyên gia, Ấn Độ hiện đối mặt với 3 vấn đề trong nỗ lực theo đuổi lợi ích của mình tại Nam Á trước sự thống trị về công nghệ của Trung Quốc. Một là, việc New Delhi không kết hợp các chính sách kinh tế và an ninh với nhau có thể khiến cho “Con đường tơ lụa số” của Bắc Kinh trở thành  kênh quyết định và chiến lược hơn so với Vệ tinh Nam Á trong việc chuyển giao công nghệ. Các nước láng giềng của Ấn Độ có thể nhận thấy việc khuếch trương công nghệ và không gian của nước này chỉ nhằm mục đích ngoại giao. Từ đó, “Con đường tơ lụa số” của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế các quốc gia Nam Á. Hai là, Ấn Độ có thể đánh mất cơ hội trở thành “ông trùm” công nghệ ở Nam Á khi mà sự phụ thuộc của Ấn Độ vào phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng công nghệ và giao thức có thể tạo ra sự chia cắt giữa Ấn Độ với các nước láng giềng vốn ngày càng ứng dụng cơ sở hạ tầng công nghệ của Trung Quốc. Và ba là, Ấn Độ có thể mất đi cơ hội trong hợp tác thương mại và đầu tư so với các nước láng giềng trong khu vực trong bối cảnh các công ty công nghệ Trung Quốc như China Mobile, Huawei, Alibaba và JD thâm nhập vào các thị trường mới dọc theo BRI.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ấn Độ