21/01/2010 - 09:01

Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ ở Afghanistan

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (trái) gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm 20-1. Ảnh: AP

Trong hai ngày 19 và 20-1, Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tới New Delhi với chương trình nghị sự dày đặc, nhưng trọng tâm là nhằm tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ trong vấn đề Afghanistan. Trước đó, Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan và Pakistan (Afpak) Richard Holbrooke cũng đã tới Ấn Độ thảo luận vấn đề trên. Hai chuyến thăm của hai quan chức Mỹ diễn ra sau khi Đặc phái viên của Anh về Afpak Sherard Cowper-Coles có cuộc hội đàm với các quan chức Ấn Độ xung quanh việc Mỹ đề nghị New Delhi tham gia huấn luyện cảnh sát Afghanistan. Theo báo The Times (Anh), Mỹ và Anh đang nỗ lực thuyết phục Ấn Độ đóng góp nhiều hơn ở Afghanistan, trong đó có việc huấn luyện 82.000 nhân viên cảnh sát Afghanistan, nhiệm vụ vốn do Đức đảm nhận từ năm 2002 tới nay.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Bộ trưởng Gates cam kết Washington sẽ không bỏ rơi Afghanistan bất chấp thời hạn rút quân bắt đầu vào tháng 7-2011. Theo ông Gates, Mỹ đã sai lầm khi bỏ mặc Afghanistan sau khi Liên Xô rút lui hồi thập niên 1980, nhưng sẽ không lặp lại sai lầm đó. Mỹ kỳ vọng Ấn Độ, vốn đã đóng góp hơn 1 tỉ USD viện trợ cho Afghanistan nhưng không đưa quân tham chiến, có thể tận dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự để bảo đảm an ninh ở khu vực. Về phần mình, Ấn Độ cũng muốn đóng vai trò chủ động hơn tại Afghanistan, bởi lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của 2 nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan tại Afghanistan. Hiện tại, Trung Quốc đang phát triển mỏ đồng lớn ở phía Nam Kabul và có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt khắp Afghanistan.

Tuy nhiên, lộ trình rút quân đội Anh khỏi Afghanistan, sắp được trình bày tại hội nghị quốc tế về Afghanistan ở Luân Đôn ngày 28-1 tới, đang vấp phải sự phản đối từ các nhà hoạch định chính sách của cả Ấn Độ và Pakistan. Trong kế hoạch rút lui, Anh kêu gọi Taliban từ bỏ các hoạt động bạo lực với cam kết các tay súng Taliban sẽ được gia nhập quân đội Afghanistan. Trong khi New Delhi lo ngại Taliban sẽ trở lại nắm quyền, thì Islamabad không muốn thấy sự lặp lại thỏa thuận Genève năm 1988, theo đó cho phép quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan mà không cân nhắc lợi ích an ninh của Pakistan. Vì vậy, các quan chức Ấn Độ và Pakistan tuyên bố với Đặc phái viên Anh Cowper-Coles rằng họ sẽ không ủng hộ chiến lược rút quân cho đến khi “những lợi ích an ninh thật sự” được đảm bảo.

Quan ngại Ấn Độ và Pakistan phản đối kế hoạch của họ, Mỹ và Anh ra sức vận động New Delhi và Islamabad cùng “ngồi chung thuyền” với họ, cụ thể là trong hội đồng khu vực về Afghanistan sắp được thành lập tại hội nghị ở Luân Đôn. Thế nhưng, việc này xem ra khó khả thi khi quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan luôn căng thẳng do có quá nhiều vấn đề song phương chưa được giải quyết, trong đó gay gắt nhất là cuộc tranh chấp khu vực Kashmir. Cuối tuần rồi, binh sĩ hai nước đã đọ súng ở khu vực này, mà theo các quan chức Ấn Độ, một sinh sĩ của họ đã thiệt mạng. Việc Mỹ ủng hộ Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng ở Afghanistan có thể làm cho bất hòa giữa Ấn Độ và Pakistan thêm sâu sắc hơn, bởi Islamabad từng cáo buộc New Delhi sử dụng các lãnh sự quán ở Afghanistan để bảo trợ các phong trào ly khai tại Pakistan.

N. MINH
(Theo AFP, Reuters, Bloomberg)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (trái) gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm 20-1. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết