18/12/2021 - 21:51

Ấn Độ gia cố quần đảo Andaman và Nicobar 

Từ khi Trung Quốc liên tục tăng cường sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương, chính quyền Ấn Độ bắt đầu thúc đẩy đầu tư hàng tỉ USD để phát triển quần đảo Andaman và Nicobar (ANI) thành cứ địa tiền tiêu ngăn chặn sự xâm lấn từ Bắc Kinh.

Căn cứ không quân của Ấn Độ trên đảo Nicobar lớn. Ảnh: Indian Navy

Căn cứ không quân của Ấn Độ trên đảo Nicobar lớn. Ảnh: Indian Navy

ANI gồm 572 hòn đảo lớn nhỏ, chỉ 38 trong số đó có người sinh sống, trải dài trên khoảng 1.000 km (620 hải lý) trên Ấn Độ Dương. Đây là một trong 7 lãnh thổ liên bang của Ấn Độ. Đơn vị hành chính này thực chất gồm 2 quần đảo riêng cách nhau khoảng 150 km, lần lượt từ bắc xuống nam là quần đảo Andaman và quần đảo Nicobar. Xét về vị trí địa lý, cả 2 quần đảo này nằm gần Đông Nam Á hơn là tiểu lục địa Ấn Độ. Điểm cực bắc của ANI cách cửa sông Hooghly của Ấn Độ 910km, nhưng cách Myanmar  chỉ 190 km. Điểm cực nam của vùng lãnh thổ này chỉ cách đảo Sumatra của Indonesia có 150 km. Từ ANI đi qua eo biển Malacca, nơi chiếm hơn 80% thương mại đường biển của Trung Quốc, theo phía Tây. Khu vực ANI chiếm khoảng 30% vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ và là nơi kết nối Nam Á với Đông Nam Á.

ANI mang đến cho Ấn Độ lợi thế về mặt địa lý và quân sự, cho phép New Delhi phô trương sức mạnh quân sự trên Vịnh Bengal và khu vực Đông Nam Á. Trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ANI sẽ trở thành tuyến phòng thủ đầu tiên của Ấn Độ. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal từng ví von rằng ANI giống như hàng không mẫu hạm không thể chìm, điều đó giúp Ấn Độ nắm quyền kiểm soát rộng lớn không gian hàng hải và các tuyến đường liên lạc trên biển.  Vì thế, năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch biến ANI thành trung tâm hàng hải đầu tiên của đất nước. Đầu năm 2016, New Delhi công bố chiến lược an ninh hàng hải, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của ANI đối với Ấn Độ tại Tây Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Năm 2018, Thủ tướng Narendra Modi lần đầu tiên đến thăm ANI, khởi động một số dự án phát triển liên quan đến kết nối, năng lượng và du lịch, cùng nhiều thứ khác.

Đáng chú ý, Ấn Độ đã bắt đầu hợp tác với các nước nhằm tăng cường kết nối cho ANI. Thái Lan có kế hoạch kết nối cảng Ranong và Indonesia dự kiến kết nối cảng Sabang với ANI. New Delhi cũng đang triển khai cảng trung chuyển tại đảo Nicobar lớn với kỳ vọng sẽ thu hút sự lựa chọn của các nhà kinh doanh Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Indonesia.

Trên lĩnh vực an ninh, Ấn Độ vừa thiết lập hàng chục cơ sở cảm biến tốc độ cao GPS, hệ thống cảnh báo SMS và trung tâm điều hành khẩn cấp quốc gia. Nước này cũng nhận được sự chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ và Nhật Bản về hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc tại khu vực gần ANI. Cả 2 quần đảo Andaman và Nicobar đều có trạm hoặc căn cứ hải quân, nơi đang có các máy bay tuần tra, do thám tầm xa hoạt động và có thể triển khai phi đội chiến đấu cơ SU-30 và Jaguar.  Giới quân sự Ấn Độ mong muốn ANI trở thành căn cứ của lực lượng đặc nhiệm lục quân và biệt kích hải quân. Đặc biệt, Thủ tướng Modi mới đây đã khai trương tuyến cáp quang dưới biển đầu tiên tới ANI.

Từ năm 2012, Trung Quốc được cho đã thường xuyên tuần tra bằng tàu ngầm tại khu vực Ấn Độ Dương. Một báo cáo năm 2020 cho biết mỗi tháng Trung Quốc thường có 6 tàu nghiên cứu và mỗi năm có gần 600 tàu cá tại khu vực này. Một báo cáo khác hồi tháng 9-2021 cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng hiện diện tại Ấn Độ Dương nhằm vượt qua ám ảnh eo biển Malacca bị phong tỏa và hoàn thành tham vọng xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển”. Thế nên, với tính chất quan trọng ngày càng lớn và giữa lúc các cường quốc đều theo đuổi chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ANI được dự báo sẽ tiếp tục chiếm vị trí trung tâm trong chính sách hàng hải của Ấn Độ trong những năm, thậm chí nhiều thập niên tới.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết