20/01/2022 - 21:36

Ấn Độ củng cố năng lực phòng không 

Theo Thời báo Hindustan, Ấn Ðộ vào tháng 4 tới sẽ đưa vào hoạt động tổ hợp phòng thủ tên lửa đất đối không tiên tiến S-400 Triumf đầu tiên. Trong khi chính quyền Thủ tướng Narendra Modi vẫn hoàn toàn kín tiếng, giới chức trực tiếp tham gia dự án tiết lộ rằng tất cả 5 tổ hợp tên lửa phòng không này sẽ được triển khai nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Pakistan.

Tổ hợp tên lửa S-400 Triumf Ấn Độ mua của Nga. Ảnh: Hindustan Times

Rất đáng gờm

Tất cả các tổ hợp tên lửa có thể hạ gục máy bay hoặc tên lửa của kẻ thù ở cự ly từ 40-400km nói trên được Ấn Ðộ mua từ Nga theo thỏa thuận trị giá 5 tỉ USD được ký hồi tháng 10-2018. Quả thật, khả năng phòng thủ và tấn công của S-400 Triumf rất đáng gờm. Hệ thống này được cho là có hiệu quả trong chống lại chiến đấu cơ, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo cũng như tên lửa hành trình. Ðặc biệt, nó có khả năng vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân của Pakistan.

Với sự kết hợp của các tên lửa 9M96E có tầm bắn 40km, 9M96E2 có tầm bắn 120km, 48N6 có tầm bắn 250km và 40N6E có tầm bắn 400km, S-400 Triumf có thể bảo vệ các khu vực rộng lớn, các mục tiêu giá trị cao và bảo vệ chính nó khỏi các cuộc tấn công. Nhờ sở hữu tính cơ động cao, S-400 Triumf có thể hoạt động trong vòng 5 phút sau khi được đưa đến địa điểm mới. Do đó, nó thường xuyên được di dời để tránh bị phát hiện. Ðặc biệt, S-400 Triumf có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Hiện Ấn Ðộ có kế hoạch tích hợp S-400 Triumf vào mạng lưới phòng không hiện có của nước này, gồm các hệ thống phòng không bản địa hay do Ấn Ðộ bắt tay Israel phát triển. Do đó, Douglas Barrie, chuyên gia hàng không vũ trụ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với tờ Defense News rằng “không nên đánh giá thấp S-400 Triumf”. “Ấn Ðộ có thể sử dụng hệ thống này thường xuyên hơn để bảo vệ các mục tiêu có giá trị cao hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc tấn công trên không” - chuyên gia Barrie cho biết thêm.

Tương tự, Mansoor Ahmed, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Pakistan), cho rằng S-400 Triumf có thể khiến không phận và các lực lượng Ấn Ðộ bất khả xâm phạm.

Vẫn còn khuyết điểm

Thế nhưng, ông Ahmed cũng tin rằng hiệu quả của S-400 Triumf đối với tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình vẫn còn là nghi vấn và sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như độ cong của Trái đất, bản chất của địa hình lân cận và vị trí mà S-400 Triumf được đặt. Theo ông Ahmed, nếu được đặt quá xa về phía trước, S-400 Triumf hoặc ít nhất các bộ phận của hệ thống, chẳng hạn như phương tiện phóng, có thể có nguy cơ bị Fatah-1, tên lửa đạn đạo có tầm bắn 150km của Pakistan dành riêng cho hệ thống tên lửa phóng hàng loạt A-100 của Trung Quốc, nhắm mục tiêu trực tiếp. Ngoài ra, S-400 Triumf có thể bị trấn áp hoặc thậm chí tiêu diệt bằng các biện pháp tác chiến điện tử vốn từng được Pakistan áp dụng khi triển khai các cuộc tấn công trả đũa vào vùng lãnh thổ do Ấn Ðộ kiểm soát trong cuộc xung đột diễn ra hồi tháng 2-2019.

Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Ðiển (FOI) được công bố hồi đầu năm 2019 còn đặt nghi vấn về năng lực thực tế S-400 Triumf. Theo họ, phạm vi của S-400 Triumf được quảng cáo là có tầm bắn lên tới 400km nhưng thực tế chỉ là 150-200km.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết