22/06/2021 - 15:26

Âm nhạc Hàn Quốc phát triển dựa vào mạng xã hội 

Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đang có sự thay đổi mạnh mẽ, khi tiếp cận và tạo được sức ảnh hưởng tại Mỹ và thế giới. Đây là một quá trình dài trải qua nhiều thất bại, trước khi tìm ra được lối đi riêng để thành công.

Nhóm nhạc Hàn Quốc BTS.

Nhóm nhạc Hàn Quốc BTS.

Vào những năm 2000-2010, các công ty giải trí và nhiều ca sĩ Hàn Quốc luôn cố gắng tiếp cận thị trường Mỹ, nhưng hầu hết đều thất bại. Điển hình như thời điểm đó nữ ca sĩ BoA rất nổi tiếng không chỉ ở Hàn mà còn cả châu Á; thế nhưng chiến dịch tấn công thị trường Mỹ với “Eat You Up” của BoA không nhận được phản hồi tốt. BoA dù có chất giọng tốt, vũ đạo đẹp nhưng vẫn không có sức hút với khán giả Mỹ. Thất bại của cô được cho là do tiếng Anh không tốt.

Sau BoA, Wonder Girls là nhóm nhạc mạnh dạn tiếp cận thị trường Mỹ và cũng thất bại. Khởi điểm của Wonder Girls thuận lợi khi ca khúc “Nobody” của họ được yêu thích tại Mỹ và có cơ hội tham gia lưu diễn vòng quanh nước Mỹ cùng nhóm nhạc Jonas Brothers. Tuy nhiên, bài học thất bại của Wonder Girls chính là thiếu sự kết nối và quảng bá tại thị trường mới. Công ty giải trí JYP, đơn vị chủ quản của Wonder Girls, đã không hề có sự hợp tác với công ty giải trí, hãng đĩa nào của Mỹ để quảng bá cho nhóm. Sự thất bại liên tiếp của những ngôi sao sáng sau đó đã khiến các công ty giải trí Hàn Quốc gần như từ bỏ thị trường Mỹ.

Bước đột phá bất ngờ xảy ra với sự nổi tiếng của Psy qua mạng xã hội. Sự kiện này đã tạo ra tiền đề mới cho ngành công nghiệp âm nhạc xứ Kim Chi. Psy được khán giả quốc tế biết đến qua ca khúc và vũ điệu “Gangnam Style” từ kênh YouTube, trở thành hiện tượng mạng xã hội của ngành giải trí vào năm 2012. Nhận thấy sức lan tỏa và ảnh hưởng của mạng xã hội, các công ty giải trí Hàn Quốc tận dụng nó để tấn công thị trường quốc tế. Các tài khoản mạng xã hội từ Twitter, Facebook, Instagram được lập cho nghệ sĩ, chia sẻ hình ảnh, thông tin hay gửi lời cảm ơn người hâm mộ quốc tế nhiều hơn, thay vì chỉ giữ trong khuôn khổ các trang báo và mạng xã hội của riêng Hàn Quốc như trước kia.

Chính nhờ sự tương tác mở rộng, các nghệ sĩ Hàn Quốc tiếp cận khán giả đa dạng hơn. Điển hình là thành công của BTS. Nhóm nhạc này sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ trên các tài khoản mạng xã hội, trong đó có 36,5 triệu người theo dõi trên Twitter, 52 triệu người đăng ký trên YouTube và 18 triệu người hâm mộ Facebook. Đó là sự hậu thuẫn cực kỳ vững chắc cho BTS mỗi khi ra một sản phẩm âm nhạc. BTS đã thành công ở thị trường Mỹ, thậm chí cả khu vực châu Âu. Sức hút của những chàng trai này không chỉ ở ngoại hình sáng, vũ đạo đẹp, âm nhạc sáng tạo mà còn hát tiếng Anh tốt và chiến lược quảng bá hiệu quả. Tiếp nối thành công của BTS, nhóm nhạc BlackPink cũng tận dụng mạng xã hội để tiếp cận thị trường âm nhạc quốc tế và đã thành công.

Báo cáo từ Global Digital, năm 2020 thế giới có 3,96 tỉ tài khoản mạng xã hội, hơn 4.000 lần so với năm 2011. Trong đó, có đến 90% người trong độ tuổi 18-29 tại Mỹ sử dụng các nền tảng trực tuyến. Đây cũng là đối tượng chính mà ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc hướng đến. Riêng tại Hàn Quốc, tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội năm 2020 là 89%, cao thứ hai thế giới. Theo phân tích dữ liệu từ Twitter và Kpop Radar, hiện 69 nhóm nhạc Kpop có hơn 300.000 người theo dõi trên Twitter (số liệu tính đến ngày 1-5-2021). Không thể phủ nhận sự thành công của ngành công nghiệp âm nhạc xứ Kim Chi có sự góp sức không nhỏ của mạng xã hội.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Guardian, Soompi, Kpop Radar)

Chia sẻ bài viết