18/08/2021 - 07:40

Ai giành phần thắng trong cuộc xung đột tại Afghanistan? 

Theo giới phân tích, những nước được hưởng lợi từ việc Taliban lên nắm quyền gồm Qatar, Nga, Trung Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Hầu hết các nước này đều tiếp tay hoặc ngầm ủng hộ Taliban.

Các tay súng Taliban trên đường phố Afghanistan hôm 16-8. Ảnh: AFP

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông của Iran đầy rẫy những đồn đoán gây tranh cãi về “giao dịch” ngầm giữa Taliban và Iran. Theo đó, Taliban sẽ không “xuất khẩu” chủ nghĩa cực đoan sang Iran hay đe dọa bất kỳ ai tại quốc gia Hồi giáo này, đổi lại Tehran sẽ luôn “giúp đỡ” người dân Afghanistan. Mặt khác, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhan còn đưa ra những tuyên bố tích cực về vai trò của Iran ở Afghanistan. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 16-8 tuyên bố “thất bại quân sự” của Mỹ tại Afghanistan là cơ hội thiết lập nền hòa bình lâu dài cho nước này.

Trong khi đó, kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar đã kịp thời có mặt để đưa tin Taliban chiếm dinh tổng thống ở Kabul, qua đó cho thấy Qatar có vẻ như biết trước kế hoạch của Taliban, bởi Doha tiếp tay cho Taliban trong nhiều năm.

Dù Qatar là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự nhưng Doha luôn ủng hộ các phần tử cực đoan tôn giáo, gồm Hamas, Huynh đệ Hồi giáo và trải thảm đỏ đối với Taliban. Như vậy, đây là một chiến thắng lớn dành cho Qatar. Doha được cho sẽ sử dụng nó để làm đòn bẩy trên khắp Trung Ðông.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi do có quan hệ với các tổ chức Hồi giáo, dù Ankara vẫn đang có 600 binh sĩ đồn trú tại Afghanistan. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vừa cho biết nếu Taliban đề nghị hỗ trợ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp các hỗ trợ an ninh và kỹ thuật tại sân bay Kabul.

Còn đối với Nga và Trung Quốc, việc Taliban lên nắm quyền có thể mang đến cho họ nhiều lợi ích trên trường quốc tế. Trong những năm qua và vài tháng gần đây, cả Nga và Trung Quốc đều nồng nhiệt tiếp đón các phái đoàn của Taliban. Cả 2 đều muốn có quan hệ rộng mở với Taliban và đều xem xét công nhận Taliban là chính phủ mới, bởi điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cả 2 nước tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Như vậy, với sự hậu thuẫn từ Nga và Trung Quốc, Taliban có thể đạt được ảnh hưởng quốc tế mà họ cần, từ đó dễ dàng được quốc tế công nhận. Nga và Trung Quốc hiện vẫn duy trì đại sứ quán tại Kabul.

Ðáng chú ý, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng tăng cường mối quan hệ “hữu nghị và hợp tác” với Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. “Taliban nhiều lần bày tỏ hy vọng phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, và mong muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình tái thiết, phát triển Afghanistan. Chúng tôi hoan nghênh điều đó” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong cuộc họp báo hôm 16-8.

Ngày 17-8, Pakistan đã tái khẳng định cam kết ủng hộ một giải pháp chính trị toàn diện ở Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ nước này.

Nhìn chung, tất cả các nước trên có điểm chung là đều muốn Mỹ rút khỏi khu vực, muốn Washington bị bẽ mặt, muốn chia sẻ nguồn năng lượng và tài nguyên khoáng sản mà Afghanistan sở hữu. Thất bại ở Afghanistan là một trở ngại lớn đối với Mỹ trên toàn cầu, bởi xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng các hệ thống an ninh do Washington hậu thuẫn đều có vẻ yếu ớt.

TRÍ VĂN (Theo Jpost, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết