02/10/2008 - 08:47

Africom nhắm tới mục tiêu gì?

Sau một năm thành lập, Bộ chỉ huy châu Phi (Africom) ngày 1-10 bắt đầu đảm nhận trách nhiệm điều hành tất cả các hoạt động quân sự của Mỹ tại lục địa đen. Đây là bộ chỉ huy thứ sáu của Mỹ, được phân chia theo khu vực địa lý. Africom tiếp quản nhiệm vụ trước đây của Bộ chỉ huy trung tâm (Centcom) ở châu Phi, mà cụ thể là quản lý căn cứ quân sự đóng tại Djibouti với 1.800 binh sĩ, đồng thời kiểm soát luôn chương trình Sáng kiến chống khủng bố xuyên Sahara vốn do Bộ chỉ huy châu Âu (Eucom) đảm trách, cũng như nhiều chương trình hợp tác huấn luyện quân sự khác với các nước châu Phi.

Phó tư lệnh Africom, Phó Đô đốc Robert Moeller, tuyên bố “nhiệm vụ chính của chúng tôi là làm việc với các đối tác châu Phi để giúp đỡ họ xây dựng khả năng đảm bảo an ninh”, chủ yếu thông qua các chương trình huấn luyện cho quân đội và lực lượng gìn giữ hòa bình. Đặc biệt, theo ông Moeller, sứ mạng của Africom không giống với các bộ chỉ huy khác của Lầu Năm Góc, bởi mục tiêu trọng tâm của nó chẳng phải là đánh trận mà là ngăn ngừa chiến tranh bằng các “giải pháp mềm”, nói cách khác là sẽ phối hợp với các cơ quan dân sự của Mỹ thực hiện chính sách viện trợ nhân đạo, xem đây là cách tốt nhất để giúp châu Phi phát triển và xa lánh chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, tổ chức Những người tị nạn quốc tế cho rằng Africom chẳng qua cũng chỉ là một phần trong xu hướng “quân sự hóa” chính sách đối ngoại của Washington, nghĩa là nhiệm vụ hàng đầu của nó là chống khủng bố chứ không phải giúp phát triển xã hội. Quốc hội Mỹ cũng nghi ngờ “sứ mạng nhân đạo” này khi mà chỉ có 13 nhân viên dân sự trên tổng số 1.300 nhân viên thuộc biên chế của Africom. Đây là một trong những lý do khiến các ông nghị Mỹ cắt giảm 1/3 ngân sách xuống còn 225 triệu USD cho Africom trong tài khóa 2009, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates phải trình giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Africom vào đầu tháng 4 năm sau.

Thật ra, ngoài mục đích tăng cường chống khủng bố, Africom còn có nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng từ châu Phi cũng như ngăn cản tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh tại đây. Cách đây 2 năm, Tổng thống George Bush từng tuyên bố Mỹ cần chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông và dự báo châu Phi sẽ là thị trường cung ứng năng lượng chủ chốt. Ông Bush cho biết Mỹ đang tiếp nhận khoảng 20% nguồn cung cấp dầu mỏ từ Tây Phi và sẽ tăng lên 25% vào năm 2015. Trong khi đó, nhờ chính sách viện trợ thông thoáng, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu lục giàu tài nguyên này đang làm phương Tây lo lắng.

Vì vậy, theo nhà phân tích người Kenya Wafula Okumu, Africom là công cụ phục vụ các lợi ích của Mỹ chứ không phải của châu Phi. Ông cho rằng phần lớn người dân châu Phi không tin tưởng vào Africom bởi đây chẳng những là một lực lượng quân sự ngoại bang mà còn muốn lôi kéo chính phủ họ vào cuộc chiến chống khủng bố đầy bất trắc. Cũng vì sự quan ngại này mà các nước châu Phi từ chối cho Africom đặt tổng hành dinh ở đây, bất chấp các nỗ lực thuyết phục và ve vãn của Washington. Cho nên, Africom vẫn phải tiếp tục tá túc ở Stuttgart, miền Nam nước Đức.

PHÚC NGUYÊN (Theo WP, AP, BBC)

Chia sẻ bài viết