10/07/2021 - 09:03

Afghanistan đủ sức chống Taliban? 

Tổng thống Joe Biden bày tỏ tin tưởng Kabul sẽ trụ vững khi bảo vệ kế hoạch rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến 20 năm ở quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên, tình hình an ninh tại đây đang hết sức rối ren, có nguy cơ ảnh hưởng đến cả khu vực.

Lực lượng dân quân Afghanistan tham gia cuộc chiến chống Taliban. Ảnh: AFP

Lực lượng dân quân Afghanistan tham gia cuộc chiến chống Taliban. Ảnh: AFP

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 8-7, ông Biden cho rằng quân đội Afghanistan có khả năng chống lại lực lượng Taliban, bác bỏ thông tin nói tình báo Mỹ dự đoán chính quyền Kabul sẽ sụp đổ trong vòng 6 tháng sau khi Washington rút quân. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định đã đạt được mục tiêu từ lâu là xóa sổ tổ chức al-Qaeda, tiêu diệt thủ lĩnh Osama bin Laden và ngăn chặn một vụ tấn công nữa nhằm vào xứ cờ hoa như vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Theo ông, Mỹ không đến Afghanistan để xây dựng đất nước này, do đó Afghanistan phải tự quyết định tương lai của họ.

Phát biểu trên được đưa ra cùng ngày Taliban chiếm đóng Islam Qala, cửa khẩu thương mại lớn nhất giữa Afghanistan với Iran. Islam Qala nằm cách thành phố Herat của Afghanistan khoảng 120km. Đây là cửa khẩu biên giới thứ ba mà phong trào Hồi giáo này giành được trong một tuần qua, sau các cửa khẩu thương mại giữa Afghanistan với Tajikistan và Uzbekistan.

Theo kế hoạch mới, Lầu Năm Góc sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan vào ngày 31-8 thay vì 11-9 tới như dự kiến trước đó và chỉ để lại khoảng 650 binh sĩ bảo vệ an ninh tại Đại sứ quán Mỹ. Khảo sát của Hãng Ipsos hồi tháng 4 cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ quyết định rút quân của ông Biden, nhưng chỉ 28% người trưởng thành tham gia khảo sát cho rằng Mỹ đã hoàn thành các mục tiêu, trong khi 43% nói việc rút quân sẽ có lợi cho al-Qaeda.

Nguy cơ với an ninh khu vực

Afghanistan với vị trí địa lý mang tính chiến lược là cầu nối giữa khu vực Nam Á với các quốc gia Trung Á, giữa Đông và Tây Á. Vì vậy, bất cứ một sự thay đổi nào ở đất nước này cũng sẽ có ảnh hưởng lan truyền tới khu vực. Trước tiên sẽ có thể là một thảm họa nhân đạo khi hàng triệu người Afghanistan sẽ phải bỏ quê hương đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Tiếp đến là những nguy cơ an ninh, khủng bố theo sau các mối quan hệ chằng chịt tại khu vực. Một khi Afghanistan trở lại với vòng xoáy nội chiến và bạo lực, nơi đây sẽ trở thành trung tâm bất ổn không chỉ với các quốc gia lân cận.

Thực tế, Taliban đã kiểm soát xấp xỉ 1/3 trong tổng số 421 quận và trung tâm quận ở Afghanistan. Các cuộc tấn công của chúng không chỉ tạo ra áp lực trên chiến trường, mà còn tác động đến tinh thần và niềm tin của quân đội Afghanistan. Nhiều binh sĩ đã bỏ chạy khi chưa trực tiếp giao tranh với Taliban. Dù Mỹ đã chi 82 tỉ USD để huấn luyện, trang bị cho quân đội Afghanistan suốt 2 thập niên qua, nhưng lực lượng này vẫn chưa đủ sức đương đầu với mối đe dọa của Taliban.

Những chiến thắng dồn dập của nhóm phiến quân này, đặc biệt tại các địa bàn phía Bắc, đã khiến một số quốc gia đóng cửa lãnh sự quán trong khu vực, trong khi Tajikistan điều 20.000 quân nhân dự bị tăng cường an ninh ở biên giới với Afghanistan. Những đợt tiến công gần đây của Taliban đã buộc hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan và nhiều dân thường trốn chạy sang lãnh thổ Tajikistan. Nếu như trong tháng 5, Taliban chỉ kiểm soát khoảng 2/3 tuyến biên giới giữa Afghanistan và Tajikistan thì giờ đây con số đó đã tăng lên hơn 80%. Nhiều khả năng tuyến biên giới này sẽ nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của phiến quân trong vài ngày tới.

Do vậy, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu cần có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ Dushanbe trong bối cảnh hiện tại. CSTO cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn về tình hình ở phía Bắc Afghanistan. Trong chuyến thăm biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan hôm 8-7, người đứng đầu CSTO Anatoly Sidorov cho biết liên minh này sẵn sàng huy động toàn bộ năng lực quân sự nếu tình hình tại đây xấu đi.

Về phần mình, giới chức Nga bày tỏ lo ngại sự trỗi dậy của Taliban có thể gây mất ổn định cho các nước Trung Á, nơi Mát-xcơ-va coi là sân sau. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Mát-xcơ-va hôm 8-7, phái đoàn Taliban đã cam kết rằng những thắng lợi của họ tại Afghanistan sẽ không đe dọa Nga hoặc các đồng minh của nước này ở Trung Á. Nga đang quan tâm tới tình hình Afghanistan bởi dù sao, bất ổn tại đây cũng có thể kéo theo làn sóng khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Nga cũng như các đồng minh. Được biết, căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của Nga đặt tại Tajikistan, gần biên giới Afghanistan. Đây là nơi đồn trú của khoảng 6.000 binh sĩ, xe tăng, xe bọc thép chở quân, máy bay không người lái và trực thăng. Nga cũng có một căn cứ không quân tại Kyrgyzstan.

Lầu Năm Góc quan ngại về các vụ tấn công nhằm vào nhân viên Mỹ tại Iraq, Syria

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8-7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về một loạt các vụ tấn công nhằm vào nhân viên Mỹ tại Iraq và Syria trong những ngày gần đây.

Các nhà ngoại giao và binh sĩ Mỹ tại Iraq và Syria là mục tiêu trong 3 vụ tấn công bằng rocket và máy bay không người lái chỉ riêng trong ngày 7-7, trong đó ít nhất 14 quả rocket đã đánh trúng một căn cứ không quân của Iraq được các lực lượng Mỹ đồn trú, khiến 2 binh sĩ Mỹ bị thương. Hiện chưa có bên nào thừa nhận gây ra vụ tấn công, các chuyên gia tin rằng đây là một phần chiến dịch của các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết