23/11/2012 - 20:58

Ấn Độ “để mắt” tới “Vòm sắt” của Israel

Hình mô phỏng cơ chế hoạt động của
"Vòm sắt". Ảnh: Defensetech

Bộ trưởng An ninh Nội địa Israel Avi Dichter của Israel cho biết, trong cuộc chiến trên không kéo dài 8 ngày vừa kết thúc hôm 22-11 giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, hệ thống đánh chặn rốc-két và pháo binh mang tên "Vòm sắt" của không quân Israel chỉ tiêu tốn 25-30 triệu USD. Số liệu ghi nhận cho thấy tỷ lệ bắn trúng rốc-két từ Dải Gaza của các loại tên lửa đánh chặn dẫn đường bằng tia laser trong hệ thống này đạt từ 87-90% và được coi là một trong những hệ thống phòng thủ hiệu quả nhất thế giới. Mỗi tên lửa đánh chặn rốc-két chỉ có giá chừng 30.000-50.000 USD, nên việc sử dụng nó được coi là tiết kiệm hơn nhiều nếu Israel phải đưa quân tới Dải Gaza với kinh phí tổn thất dự trù lên đến 380 triệu USD/ngày.

Tập đoàn sản xuất vũ khí Rafael cho biết họ đang nghiên cứu phát triển loại "Vòm sắt" mới có sức công phá mạnh hơn và tầm bắn xa hơn, có thể tiêu diệt rốc-két và tên lửa hành trình ở cự ly 250km, cùng lúc bắn trúng mục tiêu ở hai hướng khác nhau. Có nghĩa, ngoài việc nâng cao khả năng phòng thủ rốc-két có tầm bắn ngắn 70km chủ yếu từ Hamas ở Dải Daza hay phong trào Hezbollah ở miền Nam Liban, hệ thống "Vòm sắt" thế hệ mới của Israel có thể được triển khai đánh chặn tên lửa hiện đại từ đối thủ đáng gờm Iran.

Theo nhật báo nổi tiếng Haaretz của Israel ngày 22-11, ngành công nghiệp chế tạo vũ khí của Israel hy vọng thành công của "Vòm sắt" trong cuộc chiến trên không với Hamas sẽ giúp các tập đoàn quốc phòng của họ ăn nên làm ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 đã tác động đến ngân sách chi tiêu mua sắm quân sự của nhiều nước. Israel là nước sản xuất trang thiết bị quân sự chủ yếu để xuất khẩu, đạt doanh thu khoảng 7 tỉ USD/năm, với thị trường tập trung ở châu Á và Mỹ La-tinh.

Theo tiết lộ của tờ Thời báo Ấn Độ ngày 23-11, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Ấn Độ đã theo dõi sát sao tính hiệu quả của "Vòm sắt" và mong muốn có được một bản sao riêng nhằm đối phó với mối đe dọa rốc-két và pháo binh tầm ngắn từ Pakistan và các phiến quân khủng bố. Các nhà khoa học quân sự Ấn Độ đã có ý định hợp tác với các công ty Israel phát triển một phiên bản "Vòm sắt" từ nhiều tháng qua và cuộc chiến vừa diễn ra được coi là "cuộc thử nghiệm" tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ này.

ĐỨC TRUNG
(Theo TNN, Haaretz, Reuters)

Hình mô phỏng cơ chế hoạt động của "Vòm sắt". Ảnh: Defensetech

Chia sẻ bài viết