16/09/2012 - 16:18

3 năm nỗ lực nâng tầm hàng Việt

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Phong Điền. Ảnh: MỸ HOA

Cùng với cả nước, thời gian qua, TP Cần Thơ đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các mặt công tác nhằm hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) do Bộ Chính trị phát động từ tháng 8-2009. Vì vậy, 3 năm qua, tuy thời gian triển khai chưa dài nhưng bước đầu Cuộc vận động đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố…

* TẠO CHUYỂN BIẾN

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Cần Thơ, điểm nổi bật trong 3 năm thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn thành phố là có sự triển khai nhất quán, đồng bộ theo trình tự các bước, đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thành ủy Cần Thơ. TP Cần Thơ đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; UBND thành phố có kế hoạch thực hiện và trong từng giai đoạn đều ban hành nhiều kế hoạch, quyết định phê duyệt trên các lĩnh vực kinh tế, sản xuất – kinh doanh, đầu tư phát triển, tài chính – ngân hàng, văn hóa – xã hội… góp phần thực hiện có hiệu quả giải pháp kích cầu nền kinh tế của cả nước nói chung và thành phố nói riêng.

Ông Bùi Văn Hai, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, cho biết: "Quá trình triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố đã chủ động đề ra kế hoạch, nhiệm vụ hoạt động 6 tháng, hằng năm; chỉ đạo biên soạn tài liệu tuyên truyền, điều tra xã hội học.. làm cơ sở đánh giá hiệu quả việc thực hiện Cuộc vận động… Đặc biệt, trong báo cáo mỗi địa phương, đơn vị đều nêu rõ thực trạng, kết quả làm được, chưa được, đề xuất kiến nghị và đề ra những giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tiếp theo. Từ đó, giúp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố nắm chắc tình hình, phản ánh hoạt động kịp thời, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các ngành, các cấp…, 3 năm qua, Cuộc vận động trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, ý nghĩa của Cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa".

Kết quả điều tra xã hội học về hàng Việt trên địa bàn TP Cần Thơ của Trung tâm nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ) vừa qua: 53% số người được hỏi xác định khi mua hàng hóa ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 48% khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam; 31% trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài nay đã dừng mua hoặc ít mua hơn thay bằng mua hàng Việt Nam... Cũng từ kết quả điều tra, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam được người Việt Nam mua sắm nhiều như: hàng dệt may, quần áo, giày dép (69%); thực phẩm, rau quả (51%); các sản phẩm đồ gia dụng (44%); vật liệu xây dựng, đồ nội thất (29%); thuốc thông thường điều trị bệnh, dược phẩm, dụng cụ y tế và văn phòng phẩm (28%); đồ chơi, dụng cụ học tập dành cho trẻ em (26%); các sản phẩm điện tử, điện lạnh (21%)...

* TIẾP TỤC NÂNG TẦM HÀNG VIỆT

Đâu là kinh nghiệm thực tiễn bước đầu để đạt được kết quả khả quan trên? Ông Bùi Văn Hai, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động, cho biết: "Trước tiên, phải có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp chỉ đạo quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan thông tin đại chúng trong triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; hình thức, nội dung tuyên truyền phải thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tâm lý của từng đối tượng nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng sản xuất trong nước. Đồng thời, thông tin đầy đủ, kịp thời các hoạt động của doanh nghiệp như: đưa hàng Việt về nông thôn, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh doanh nghiệp… Điều này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp trong nước mà còn là sự động viên, khích lệ tinh thần đối với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp và hưởng ứng Cuộc vận động". Trong quá trình triển khai Cuộc vận động phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Xác định địa bàn tập trung là khu dân cư, khu công nhân, công nghiệp, vùng nông thôn. Biện pháp thực hiện cuộc vận động chủ yếu là tuyên truyền, vận động bằng các nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và đối tượng chủ yếu của cuộc vận động hướng tới là các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và người tiêu dùng.

Để cuộc vận động đạt yêu cầu mong muốn, ngoài công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia mua sắm, ủng hộ hàng Việt với tinh thần "Dùng hàng Việt là yêu nước", nhất thiết phải có những hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, để làm được điều này, mỗi người tiêu dùng cần nhận thức đúng đắn khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm hàng hóa Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Đồng thời, xem việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân như một hành động thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng; ủng hộ tôn vinh hàng sản xuất trong nước là góp sức nhằm phát triển sản xuất, tiêu dùng, góp phần đưa kinh tế địa phương, đất nước đi lên, tạo thêm cơ hội, việc làm cho cá nhân, gia đình và xã hội… Ngoài việc nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm, các nhà sản xuất, doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng cần không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp,… để nâng cao khả năng cạnh tranh, nhất là đối với hàng ngoại nhập. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có giải pháp đưa sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng một cách thuận lợi nhất; đồng thời, tổ chức hệ thống dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành sau bán hàng… nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng; xây dựng hình ảnh sản phẩm hàng hóa Việt gắn liền với uy tín, chất lượng đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước…

Hà Triều

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Phong Điền. Ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết