03/12/2019 - 08:17

20 triệu người di tản mỗi năm do khủng hoảng khí hậu 

Người dân Bangladesh bị ảnh hưởng bởi bão Fani. Ảnh: AFP

Những hiện tượng thời tiết cực đoan do khí hậu gây ra đã khiến hơn 20 triệu người rời bỏ nhà cửa mỗi năm trong một thập niên qua, theo báo cáo công bố ngày 2-12 của tổ chức Oxfam.  

Sau khi phân tích số liệu người di tản trong nước do thảm họa thiên nhiên trong giai đoạn 2008-2018, tổ chức từ thiện Oxfam kết luận cứ 2 giây lại có một người phải rời bỏ nhà cửa. Nguy cơ người dân di tản trong nước do lũ lụt, bão tố và cháy rừng cao hơn núi lửa phun trào/động đất đến 7 lần và cao hơn xung đột vũ trang 3 lần. Điều này khiến khủng hoảng khí hậu trở thành nguyên nhân lớn nhất buộc người dân đi lánh nạn, trong đó những nước nghèo hơn lại có nguy cơ cao nhất mặc dù họ thải lượng khí carbon ít hơn so với những quốc gia giàu.

Mỹ: Hàng triệu khách du lịch bị ảnh hưởng của bão

Hàng triệu khách du lịch hôm 1-12 đã lùi thời điểm trở về nhà sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, vì bão mạnh đang hoành hành ở Bờ Đông nước Mỹ khiến tuyết rơi dày và băng đóng tại nhiều nơi.

Các tiểu quốc đảo đang phát triển (SIDS) chẳng hạn như Cuba, Dominica và Tuvalu chịu ảnh hưởng rất nặng nề, chiếm 7/10 quốc gia có tỷ lệ người dân di tản do thời tiết cực đoan cao nhất. Người dân ở những nước này có nguy cơ chuyển chỗ ở do cơn thịnh nộ của “Mẹ thiên nhiên” cao gấp 150 lần so với những người sống tại châu Âu. Vị trí địa lý cũng có vai trò trong xu hướng này khi mà khoảng 80% trường hợp di tản là ở châu Á- quê nhà của 1/3 số người nghèo nhất trên thế giới. Hồi tháng 5, siêu bão Fani từng dẫn đến cuộc di cư của 3,5 triệu người ở Bangladesh và Ấn Độ.

Di tản trong nước để lại những tổn thất về mặt xã hội lẫn tài chính, theo Tim Gore- người đứng đầu chính sách về khí hậu và công bằng lương thực của Oxfam. “Những người nghèo khó nhất và đặc biệt là phụ nữ luôn phải chịu ảnh hưởng lớn nhất. Dạng di tản này thực sự tác động mạnh đến kết cấu xã hội của các cộng đồng” - Gore nói với kênh CNN. Những nước vừa bị chiến tranh tàn phá vừa vật lộn với thời tiết cực đoan như Somalia thì nguy cơ di tản càng nghiêm trọng hơn. Nghiên cứu của Oxfam cũng phát hiện số lượng hiện tượng thời tiết cực đoan đã tăng gấp 5 lần trong thập niên qua. Thiệt hại về kinh tế do các hiện tượng thời tiết này gây ra trong thập niên qua được cho là tương đương 2% thu nhập quốc dân của các nước. Tỷ lệ này tại những nước đang phát triển cao hơn nhiều, thậm chí lên tới 20% đối với nhóm SIDS.

Báo cáo trên được công bố trùng với ngày khai mạc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP 25) tại Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Tại sự kiện này, các nhóm hoạt động vì phát triển và môi trường sẽ nỗ lực để kêu gọi lập một nguồn quỹ để cứu trợ những quốc gia chịu đựng “tổn thất và thiệt hại”. Thật ra, “Cơ chế quốc tế về tổn thất và thiệt hại” đã được thành lập tại hội nghị Warsaw (Ba Lan) hồi năm 2013, với mục đích hỗ trợ tài chính cho những nước nghèo vốn phát thải ít khí nhà kính nhưng lại phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cho đến nay ngoài việc ủng hộ sử dụng những chính sách bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất, cơ chế này cũng chỉ tìm kiếm được nguồn tài trợ ít ỏi. Gần đây, Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) ước tính đến năm 2022 phải cần ít nhất 50 tỉ USD/năm để khắc phục những tổn thất và thiệt hại, sau đó nhảy lên 300 tỉ USD vào năm 2030.

Được biết, một trong những mục chính của COP 25 là các nước thành viên sẽ tìm cách nhất trí về chi tiết chương trình tài trợ 100 tỉ USD/năm để giúp những nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chỉ rõ loài người đã có chiến tranh với hành tinh trong nhiều năm qua và giờ đây hành tinh này đang chống trả. Ông cảnh báo loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới "điểm không thể cứu vãn" trong cuộc khủng hoảng này. 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết