10/12/2020 - 06:53

100 ngày đầu chống COVID-19 của ông Biden 

Sau đội ngũ phụ trách an ninh, chính sách đối ngoại và kinh tế, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden hôm 8-12 chính thức công bố danh sách thành viên chủ chốt phụ trách mảng y tế quốc gia, kèm theo cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu nắm quyền.

Tổng thống đắc cử Biden và cấp phó Kamala Harris tại buổi công bố dàn lãnh đạo y tế. Ảnh: Reuters

Tổng thống đắc cử Biden và cấp phó Kamala Harris tại buổi công bố dàn lãnh đạo y tế. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp báo ở bang nhà Delaware, ông Biden xác nhận Tổng chưởng lý bang California Xavier Becerra được cử làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) trong khi Giáo sư y khoa của Đại học Harvard Rochelle Walensk lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Ủng hộ đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền hay Obamacare, ông Becerra có thể gặp khó trong tiến trình phê duyệt tại Thượng viện được dự đoán do đảng Cộng hòa kiểm soát. Nếu được thông qua, chính trị gia 62 tuổi sẽ là người Mỹ gốc Latin đầu tiên lãnh đạo HHS.

Trong đội ngũ vừa được đề cử, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci được chọn làm cố vấn y tế chính trong cuộc chiến chống đại dịch cùng với Tiến sĩ Marcella Nunez-Smith phụ trách lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19. Hai nhân vật quan trọng khác là Jeff Zient, đồng phụ trách công tác chuyển tiếp của ông Biden, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động phân phối vaccine dưới sự trợ giúp của cấp phó Natalie Quillian - một cựu quan chức thời Barack Obama.

Trong buổi họp báo, ông Biden đặc biệt ca ngợi tài năng và phẩm chất của Tiến sĩ Fauci, người từng nhiều lần bị Tổng thống Donald Trump công kích. Dưới sự tham vấn của vị chuyên gia này, tổng thống đắc cử tiết lộ 3 mục tiêu chính trong 100 ngày đầu nắm quyền: “Thực hiện đeo khẩu trang, tiêm vaccine và mở lại trường học”.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Trump cùng ngày đã ký sắc lệnh hành pháp đảm bảo công dân Mỹ được ưu tiên hàng đầu trong việc tiêm chủng các loại vaccine phòng COVID-19 trên cả nước. Sắc lệnh ban hành trong bối cảnh số ca dương tính COVID-19 hằng ngày ở Mỹ tăng kỷ lục. Theo các nguồn thạo tin, luật sư Jenna Ellis trợ giúp các khiếu nại pháp lý về kết quả bầu cử của ông Trump mới đây cũng nhiễm COVID-19. Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới chiều 9-12, Mỹ ghi nhận hơn 15,6 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 293.000 người tử vong.

Giữa tình hình dịch bệnh phức tạp, Tổng thống Trump cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trong vài ngày tới có thể cấp giấy phép khẩn cấp sử dụng vaccine do Pfizer/BioNTech phát triển và chính phủ sẽ lập tức tiến hành phân phối đại trà. Trong văn bản đánh giá hôm 8-12, FDA lần đầu tiên xác nhận vaccine nói trên đạt hiệu quả 95% sau hai liều. Theo báo cáo, vaccine kích hoạt cơ chế bảo vệ trong vòng 10 ngày kể từ liều đầu tiên và có hiệu quả trên nhiều nhóm đối tượng bất kể giới tính, sắc tộc hay người có bệnh nền. Ngoài hiện tượng sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ có thể biến mất trong hai ngày, FDA cho biết vaccine không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Dự kiến, đợt tiêm chủng đầu tiên triển khai vào giữa tháng 12 trên các nhân viên y tế tuyến đầu cùng nhiều nhóm đối tượng khác dễ bị mắc bệnh. Thành viên đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng, Đô đốc Brett Giroir, ước tính khoảng 20 triệu người được tiêm vaccine trong tháng này và thêm 20-25 triệu người vào tháng 1-2021. Trước triển vọng đẩy lùi COVID-19, giới phân tích cho biết thách thức lớn nhất hiện nay là xây dựng lòng tin và thuyết phục người Mỹ đi tiêm vaccine. Thăm dò của Gallup trong tháng 11 cho thấy 63% người Mỹ sẵn sàng tiêm vaccine đã được FDA phê duyệt. Tỷ lệ này hiện giảm còn 60%, theo khảo sát của Pew Research. Để ngăn dịch bùng phát, Tiến sĩ Fauci cho biết con số trên cần phải đạt từ 75%-85% trong dân số. Lực lượng đặc nhiệm về COVID-19 của Nhà Trắng thì thừa nhận vaccine không thể giảm tốc độ lây lan của SARS-CoV-2 cho đến khi 100 triệu người Mỹ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh được chủng ngừa đầy đủ.

Đề xuất gói cứu trợ 916 tỉ USD

Ngày 8-12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo, ông đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 916 tỉ USD nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 trong cuộc thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Các nghị sĩ của 2 đảng và chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đàm phán nhiều tháng qua nhưng chưa thể thống nhất thêm một gói cứu trợ kinh tế tiếp nối gói cứu trợ 2.200 tỉ USD. Đây là gói đã được thông qua hồi đầu năm nay và sẽ hết hiệu lực vào cuối năm. Việc tạm dừng các hoạt động kinh tế để ngăn chặn nguy cơ lây lan đại dịch đã đẩy hàng chục triệu người lao động Mỹ vào cảnh mất việc làm. Dù nền kinh tế số 1 thế giới đang có dấu hiệu hồi phục nhưng các chuyên gia lo ngại nếu Chính phủ Mỹ không cung cấp thêm một gói cứu trợ nữa thì khả năng phục hồi sẽ bị dập tắt.

MAI QUYÊN (Theo CBS News)

Chia sẻ bài viết