15/01/2008 - 22:39

Việc Công ty cổ phần Bê tông Phan Vũ Cần Thơ giải tỏa khu nhà tập thể

10 hộ công nhân bức xúc vì khó tìm chõ ở mới

Gần 8 tháng qua, 10 hộ là công nhân, sống ở khu nhà tập thể của Công ty cổ phần Bê tông Phan Vũ Cần Thơ, tại số 366B, đường Cách Mạng Tháng 8, phường An Thới, quận Bình Thủy, sống trong tâm trạng bất an, vì quyết định giải tỏa khu nhà tập thể của Hội đồng Quản trị công ty. Các hộ đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều nơi...

Công ty cổ Phần Bê tông Phan Vũ Cần Thơ tiền thân là Xí nghiệp Bê tông Cần Thơ. Từ năm 1988 đến năm 1994, xí nghiệp xây dựng khu nhà tập thể gồm 17 căn từ quỹ phúc lợi của xí nghiệp, tạo điều kiện cho công nhân có nơi ở, an tâm làm việc. 17 căn nhà này được công ty cho công nhân thuê với giá từ 50.000-70.000/tháng. Năm 2004, Xí nghiệp Bê tông Cần Thơ chuyển sang Công ty cổ phần Bê tông Cần Thơ, rồi trở thành Công ty cổ phần Bê tông Phan Vũ Cần Thơ. Trong thời gian xí nghiệp chuyển đổi và sang nhượng, 17 gia đình công nhân của khu nhà tập thể vẫn sinh sống và làm việc tại đây. Vì vậy, quyết định giải tỏa khu nhà tập thể làm cho những hộ này phải khổ sở vì khó tìm chỗ ở mới, đời sống gặp nhiều khó khăn hơn.

Đầu tháng 6-2007, Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Bê tông Phan Vũ thông báo: Giải tỏa khu nhà tập để mở rộng mặt bằng của công ty. Kèm theo thông báo là công ty sẽ hỗ trợ chi phí cho mỗi trường hợp di dời với mức từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng, nhằm tạo điều kiện cho những hộ này ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Sau khi công ty có thông báo, có một số hộ trong khu nhà tập thể đã chuyển đi.

Mặc dù Công ty cổ phần Bê tông Phan Vũ Cần Thơ đã cho thi công phần rãnh nước trên phần đất của nhà tập thể, nhưng một số hộ vẫn chưa di dời vì chưa tìm được nơi ở mới. Ảnh: THẢO MỘC

Còn lại 10 gia đình công nhân sống ở khu tập thể chưa chịu di dời đều có đời sống kinh tế hết sức khó khăn. Việc chuyển đổi, tìm chỗ ở mới đã làm cho đôi vai của những công nhân này càng thêm nặng gánh. Ông Trần Hoàng Lâm, có gần 22 năm làm việc ở công ty, gia đình có 4 người sống trong căn nhà tập thể, bức xúc : “Tôi làm ở đội bê tông. Vợ chồng tôi có 2 con đang tuổi ăn học, gia đình sống tằn tiện dựa vào tiền lương trên 1,6 triệu đồng/tháng của tôi. Nay, công ty lấy lại nhà, gia đình tôi không biết lấy tiền đâu thuê nhà ở”. Mấy tháng liên tiếp, gia đình không đủ tiền chi tiêu, lại phải lo trả nợ bên ngoài nên nhà có chiếc xe gắn máy, tài sản có giá trị nhất, ông Lâm cũng đã đem cầm. Cả nhà ông còn gánh số nợ bên ngoài trên 10 triệu đồng.

Gia đình bác Nguyễn Văn Khên cũng đang lo âu vì việc phải tìm chỗ ở mới. Gia đình bác đã sống và làm việc ở công ty gần 10 năm. Do tuổi già sức yếu, Bác Khên nghỉ việc ở công ty năm 2005. Hiện 2 con trai của bác vẫn đang làm việc tại đây. Cả nhà bác có 7 người đều cư ngụ trong căn nhà tập thể và sống nhờ vào tiền lương công nhân thiếu trước hụt sau của 2 người con. “Hơn 10 năm qua, cả nhà không phải lo lắng về chỗ ở. Bây giờ, công ty lấy lại nhà, với mức hỗ trợ như trên thì làm sao gia đình tôi có điều kiện ra ngoài tìm được nơi ở mới”- bác Khên thở dài.

Còn anh Văn Như Thịnh, gần nửa đời người gắn bó với công ty, giọng rầu rĩ, nói: “Trước kia, vợ chồng tôi đều làm ở công ty. Sau khi vợ tôi bị tai nạn lao động, thương tật 55% thì nghỉ việc; con tôi còn đi học. Tiền lương 1,2 triệu đồng/tháng của tôi phải xoay xở cho cả 4 người trong nhà. Nhiều tháng tôi phải vay mượn thêm ở bên ngoài để có tiền lo cho con ăn học. Nếu vừa phải thuê nhà, vừa lo trả nợ bên ngoài, cả nhà tôi biết sống vào cái gì!”.

10 gia đình ở khu nhà tập thể đều đồng ý việc di dời chỗ ở, trả lại mặt bằng cho công ty. Nhưng với mức hỗ trợ di dời trên của công ty, thì anh em công nhân không có điều kiện ra ngoài mướn nhà ở. Tập thể công nhân ở khu nhà tập thể đã kiến nghị với Ban giám đốc công ty: Một là công ty chọn một khu nhà ở mới cho những công nhân vào ở, họ có nhiệm vụ trả tiền thuê; hai là các hộ sẽ tự tìm chỗ ở mới, nhưng công ty phải hỗ trợ số tiền cho mỗi hộ di dời là 40 triệu đồng.

Theo kiến nghị của 10 gia đình công nhân ở khu tập thể, tháng 7-2007, Ban lãnh đạo công ty đã có công văn gửi UBND TP Cần Thơ, Sở Xây dựng TP Cần Thơ và Công đoàn ngành xây dựng TP Cần Thơ, xem xét, giúp đỡ những hộ tập thể cán bộ, nhân viên của công ty được thuê nhà chung cư dành cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, UBND TP Cần Thơ trả lời: Hiện nay thành phố không có quỹ đất nhà ở chung cư để giải quyết cho người lao động; vì vậy, UBND thành phố không thể giải quyết nhà ở cho công nhân theo đề nghị của công ty.

Ông Lê Thùy Đông, Chủ tịch công đoàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông Phan Vũ Cần Thơ, cho biết: “Bước đầu, công ty sẽ hỗ trợ chi phí di dời và tiền thuê nhà, nhằm tạo điều kiện cho các hộ ổn định cuộc sống. Mức hỗ trợ như sau: Đối với những hộ có thời gian ở trong khu tập thể từ 10 năm trở lên, được hỗ trợ 3 triệu đồng tiền thuê nhà một lần, đối với những hộ có thời gian ở dưới 10 năm sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng tiền thuê nhà, chi phí di dời là 500.000 đồng/hộ. Bên cạnh đó, nếu anh em công nhân nào có đất, thì công ty phối hợp cùng Công đoàn ngành xây dựng và Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ hỗ trợ số tiền 10 triệu-15 triệu đồng để cất nhà. Khi có chủ trương di dời khu tập thể đã có một số hộ đã chuyển đi. Nếu những hộ còn lại chịu di dời, công ty sẽ hỗ trợ thêm trong khả năng của công ty. Sau đó, công ty sẽ cùng chính quyền địa phương tiếp tục có những phương án hỗ trợ những hộ di dời này”.

“An cư mới lạc nghiệp”, việc giải quyết chỗ ở mới cho công nhân ở khu nhà tập thể của Công ty cổ phần Bê tông Phan Vũ là vấn đề cần được Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty quan tâm xem xét hơn nữa. Thiết nghĩ, công ty cần nắm rõ từng hoàn cảnh, có những chế độ ưu đãi hơn đối với việc di dời, tìm nơi ở mới cho những hộ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đối với những anh chị em đã góp sức lao động, nhiều năm gắn bó với công ty.

THẢO MỘC - MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết