30/08/2019 - 05:20

“Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” 

“50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là triển lãm ảnh do Bảo tàng TP Cần Thơ và Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Mỗi tấm ảnh là một câu chuyện, phác họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và tấm lòng của cả nước nói chung, miền Tây sông nước nói riêng dành cho Bác Hồ kính yêu.

Đông đảo tuổi trẻ đến xem triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đông đảo tuổi trẻ đến xem triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Triển lãm mở đầu bằng những chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hình ảnh bút tích của Bác qua từng trang Di chúc. Rồi còn có những hình ảnh của những ngày đầu tháng 9 cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày mà như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

"Xin nhớ từ đây, nhớ lại ngày

Bác Hồ từ giã cõi Hôm Nay

Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng

Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay…"

                                ("Theo chân Bác")

Xúc động làm sao những hình ảnh từng đoàn đại biểu, đông đảo đồng bào cùng tề tựu về quảng trường Ba Đình trong ngày 9-9-1969 để dự lễ truy điệu trọng thể Người.

Với đồng bào miền Nam, hình ảnh Bác Hồ kính yêu vẫn luôn trong tâm tưởng mỗi người. Vậy nên khi hay tin Bác đi xa, đồng bào ngậm ngùi thương tiếc… Nhiều nơi ở miền Nam, bất chấp sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù, từ vùng giải phóng, vùng địch tạm chiếm, cho tới nhà lao Chí Hòa, nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc đều tổ chức lễ tang và lễ truy điệu Người trọng thể với tất cả lòng thành kính, nhớ thương. Tiêu biểu là hình ảnh đồng chí Huỳnh Tấn Phát và Đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt vòng hoa tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vùng giải phóng tháng 9-1969. Hay hình ảnh chùa Khánh Hưng (Sài Gòn) tổ chức lễ truy điệu Bác với sự tham gia đông đảo trí thức yêu nước, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân Sài Gòn vào 9 giờ sáng ngày 9-9-1969…

Bác Hồ chưa một lần được trở về miền Nam từ sau ngày Bác rời Bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước. Bác luôn ao ước được vào miền Nam thăm đồng bào. Câu nói: "Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi!" của Bác Hồ luôn là động lực để đồng bào miền Nam chiến đấu, lao động và dựng xây đất nước. Đồng bào miền Nam, đồng bào miền Tây sông nước, vẫn cảm nhận Bác luôn gần gũi, truyền thêm sức mạnh để đánh thắng kẻ thù xâm lược, kiến thiết quê hương. Khắp nơi ở ĐBSCL sau ngày Bác đi xa không lâu, hàng chục ngôi đền thờ, phủ thờ Bác được dựng lên giữa đạn bom khói lửa là minh chứng cho tấm lòng miền Nam với Bác. Nhiều hình ảnh giới thiệu tại triển lãm như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Máng Chim, ấp Cái Xép, xã Đất Mũi, huyện Năm Căn (nay là huyện Ngọc Hiển), tỉnh Cà Mau, xây dựng năm 1969; Đền thờ Bác ở xã Long Đức, tỉnh Trà Vinh xây dựng năm 1970… Rồi còn Phủ thờ Bác Hồ ở Thới Bình - Cà Mau, Long Mỹ - Hậu Giang, Cù lao Dung - Sóc Trăng, Vĩnh Lợi - Bạc Liêu… Thật khó mà kể xiết, ấy là chưa kể còn có hàng triệu "ngôi đền thờ Bác" ngự trị trong lòng mỗi người dân Việt Nam, người dân đồng bằng sông nước.

Từ triển lãm này rồi nghĩ rộng ra rằng, 50 năm qua, Bác Hồ vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc. Ngay tại TP Cần Thơ và nhiều địa phương khác của ĐBSCL, việc lập bàn thờ Bác trong gia đình, ở đình làng… đã trở thành nét văn hóa truyền đời đáng quý. Người viết nhiều lần có dịp dự lễ dâng hương, mâm cơm cúng Bác ở Bạc Liêu, Cà Mau và cảm nhận được tình cảm bà con dành cho Bác Hồ kính yêu. Triển lãm kết thúc bằng những hình ảnh về thành tựu phát triển của Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng trong thời điểm hiện tại. Đó cũng là cách đồng bào cả nước nhớ ơn Bác, báo công dâng Bác, thỏa lòng Bác mong về một Tổ quốc "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Triển lãm được sắp xếp theo trình tự thời gian, chú thích rõ ràng, chính xác nên giúp người xem dễ theo dõi. Rất nhiều người đã xúc động khi xem triển lãm. Em Phạm Quang Huy, sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, chia sẻ: "Xem những hình ảnh về Bác ở triển lãm này em càng yêu kính Bác nhiều hơn. Bác Hồ thật vĩ đại nhưng lại rất gần gũi, đến những ngày cuối đời Bác vẫn lo cho dân, cho nước". Còn em Ong Gia Bảo, sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, thì suy nghĩ rằng: "Với em, cách thiết thực nhất để thực hiện theo Di chúc của Bác Hồ là cố gắng học thật tốt, là thanh niên sống có ích, góp phần xây dựng quê hương". Suy nghĩ đẹp ấy cũng là quyết tâm của thế hệ hôm nay để đáp đền công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

"Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn"

                                 ("Bác ơi", Tố Hữu)

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết