03/10/2015 - 18:53

“Văn hóa tham nhũng” ở Nam Phi

Thói quen tham nhũng bắt đầu từ rất sớm tại Nam Phi, nơi trẻ em có thể hối lộ nhân viên bảo vệ của trường chỉ với vài đồng lẻ để chúng tự do ra ngoài mua kẹo. "Anh phải đưa hối lộ cho họ và mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Điều này đã trở thành một thói quen. Hầu hết mọi người đều cho rằng tham nhũng là một phần của nền văn hóa chúng tôi" - Lucky Menoe, nhà hoạt động thuộc Cơ quan Chống tham nhũng Nam Phi (Corruption Watch), chua xót thừa nhận.

 Biểu tình chống tham nhũng tại Pretoria hôm 30-9 . Ảnh: LA Times

Theo David Lewis, Giám đốc Corruption Watch, tham nhũng phổ biến nhất là trên hè phố, nơi cảnh sát làm việc. Dù chỉ vi phạm một lỗi nhỏ, các bác tài cũng bị họ kéo vào và yêu cầu chi tiền "trà nước". Nhưng trong những năm gần đây, tham nhũng đã len lỏi vào hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Theo ông, người dân phải hối lộ cho nhân viên bệnh viện, hiệu trưởng, giáo viên, các cơ quan phụ trách vấn đề nhà ở... để "được việc".

Tham nhũng cũng hiện diện dưới hình thức "chủ nghĩa thân hữu". Ví dụ, chủ cửa hàng bán thức ăn vặt trong trường học chẳng ai khác ngoài vợ của hiệu trưởng. Tại chính quyền cấp thành phố và các bộ cũng như vậy. Theo đó, việc làm và hợp đồng được ký kết không dựa trên năng lực mà nhờ mối quan hệ, bạn bè. "Nếu anh muốn có một công việc. Họ sẽ không nhận anh đâu, họ chỉ nhận người thân trong gia đình họ mà thôi. Họ nhận người không có năng lực. Ở tất cả mọi nơi, từ cơ quan chính phủ, nhà máy hay công ty, anh phải hối lộ mới hòng có được một công việc" – nhân viên y tế cộng đồng Cynthia Bushela chia sẻ.

Ông Lewis cho hay, tình trạng tham nhũng tràn lan đã làm xói mòn lòng tin của công chúng vào chính phủ, Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền, các tổ chức như cảnh sát, tư pháp và quốc hội. Theo một báo cáo hồi năm 2013 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), 36% người dân Nam Phi từng hối lộ cảnh sát trong năm trước đó, trong khi tỷ lệ đút lót để nhận giấy phép hoặc giấy tờ nào đó còn cao hơn. Họ cũng "bồi dưỡng" nhân viên y tế, giáo dục, điện, nước và cả thẩm phán. Còn theo bảng xếp hạng chỉ số nhận thức tham nhũng của TI hồi năm ngoái, Nam Phi đứng thứ 67 trong số 176 quốc gia, tuột mạnh so với vị trí 38 hồi năm 2001.

Tờ Los Angeles Times cho biết, 83% người dân Nam Phi phàn nàn cảnh sát tham nhũng, tiếp theo là các đảng chính trị (77%) và các công chức (74%). Đối tượng dễ trở thành nạn nhân của tham nhũng trong cơ quan chính phủ thường là người tị nạn và nhập cư, chủ yếu từ các quốc gia châu Phi khác muốn nhận giấy tờ hợp lệ từ Bộ Nội vụ để có thể sinh sống tại Nam Phi.

Trước tình hình đó, các nhà hoạt động chống tham nhũng, các tổ chức đại diện cho người nghèo, người vô gia cư, các đảng đối lập... mới đây đã tổ chức biểu tình chống tham nhũng tại hai thành phố Pretoria và Cape Town.

HOÀNG NAM

Chia sẻ bài viết