21/04/2019 - 08:16

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam:

Ðừng để người tiêu dùng quay mặt với trái cây Việt Nam 

ÐBSCL- nơi có diện tích sản xuất trái cây lớn nhất cả nước- đang đứng trước những thách thức đầy cam go từ biến đổi khí hậu (BÐKH). Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sản xuất nhỏ lẻ đã làm cho các nhà vườn gặp rất nhiều khó khăn và thường xuyên đối mặt với rủi ro cao từ thị trường. Tác động của BÐKH và làm thế nào để sản xuất cây ăn trái bền vững tại ÐBSCL là những vấn đề phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi với Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam.

► Phải thích ứng

* BĐKH đã tác động như thế nào đến sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng tại ĐBSCL, thưa Tiến sĩ?

- Thực tế những năm qua, dưới sự tác động của BĐKH toàn cầu, thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài và mùa mưa đến muộn hơn. Đồng thời, các hoạt động thủy điện ở lưu vực thượng nguồn sông Mekong dẫn đến dòng chảy ở hạ lưu bị hạn chế nên gây ra khô hạn ở các dòng sông thuộc ĐBSCL. Nước mặn theo sông xâm nhập sâu vào vùng đất liền ngày một trầm trọng, nhất là những tháng mùa khô với tốc độ 0,5-1km/năm, kéo dài từ 1-4 tháng/năm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nước sinh hoạt và nguồn nước sử dụng trong nông nghiệp bị thiếu hụt, xâm nhập mặn ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, lũ lụt ở ĐBSCL trong thời gian dài không xuất hiện, nhưng năm 2018 xuất hiện trở lại gây ngập úng và làm thiệt hại nặng một số vườn cây ăn trái không có hệ thống đê bao hoặc chưa được gia cố, tu bổ hằng năm. Như vậy, rõ ràng BĐKH đang ảnh hưởng, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp nói chung và bà con trồng cây ăn trái nói riêng tại ĐBSCL.

Sản xuất cây ăn trái tại ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn do tác động của BĐKH. Ảnh: Bình Nguyên

* Như vậy, ứng phó với BĐKH  đang là việc làm cấp bách. Theo Tiến sĩ, riêng đối với bà con trồng cây ăn trái, cần có những giải pháp gì?

- Đối với BĐKH, chúng ta không thể chống được mà phải thích ứng. Trong điều kiện hiện nay, bà con cần phải chú ý chuẩn bị đê bao cho tốt để ngăn xâm nhập mặn và ngập úng xảy ra đặc biệt như năm 2018 vừa rồi. Chú ý tỉa cành tạo tán cho cây để giúp giảm thoát hơi nước trong mùa khô hạn và xâm nhập mặn hoặc không nên xử lý ra hoa trong thời điểm như thế bởi không đảm bảo được nguồn nước tưới. Trong lúc ngập úng cũng không nên xử lý vì nếu chúng ta không quản lý đê bao mà nước xâm nhập khi cây đang mang trái thì hệ thống rễ suy yếu, nếu ngập nặng làm suy kiệt, dễ dẫn đến chết cây. Bà con cần tăng cường bón phân hữu cơ, nếu xâm nhập mặn xảy ra thì sử dụng phân bón lá có hàm lượng canxi, magiê để tăng khả năng đề kháng cho cây trồng.

Phải theo dõi tình hình khí tượng thủy văn để có biện pháp kịp thời. Ví dụ như xâm nhập mặn xảy ra, chúng ta phải làm gì, ngập úng phải làm gì để kịp thời ứng phó nhằm quản lý tốt vườn cây. Dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn trái trong những tháng nước mặn, hoặc dự trữ trong những túi ni lông dày và đặt dưới gốc cây để tưới cho cây trồng trong những tháng nước mặn. Hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi độ mặn ≥2 ‰. 

* Tiến sĩ có thể cho biết cụ thể hơn về những giải pháp kỹ thuật?

- Ứng phó với BĐKH là việc làm lâu dài, đòi hỏi phải có những giải pháp kỹ thuật mang tính đồng bộ từ cây giống, làm đất cho đến chăm sóc. Tùy theo giống cây ăn trái mà khả năng chống chịu mặn của cây khác nhau. Để tránh thiệt hại cho cây ăn quả khi tưới nguồn nước bị nhiễm mặn, bà con nông dân cần biết khả năng chịu mặn của chủng loại cây trồng trên vườn của mình để làm cơ sở nên hoặc không nên lấy nguồn nước tưới cho cây trồng. Bà con cũng cần chăm sóc vườn cho tốt, chăm sóc bảo vệ đất trở nên màu mỡ giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, sản phẩm sinh học giúp cây tăng đề kháng.

Bên cạnh việc cải tạo đất, quản lý và cải thiện chất lượng nguồn nước tưới, cũng như kỹ thuật tưới, tiêu thoát nước là biện pháp canh tác rất quan trọng thì xu hướng hiện nay là khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với tính chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường như: hạn, mặn, ngập úng... Công tác thanh lọc mặn các nguồn gen đang có trong tự nhiên hoặc lai tạo để tìm ra được những loại gốc ghép có khả năng chịu hạn, mặn, ngập úng được xem là những giải pháp khả thi nhất. 

Thực tế thời gian qua đối với lĩnh vực cây giống, bà con chưa quan tâm đến gốc ghép trong khi ở nước ngoài, nghiên cứu rất kỹ. Bà con chủ yếu mua cây được ghép sẵn, không biết gốc ghép gì nên khi điều kiện xấu tác động thì rất khó đề phòng. Do đó, bà con quan tâm sử dụng gốc ghép chống chịu được với điều kiện bất lợi của môi trường, ví dụ gốc ghép chống chịu với mặn. Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đã nghiên cứu một số gốc ghép từ cây bòng, sảnh, bưởi chua, cam đắng, bưởi đường hồng, quýt ta có thể chống chịu mặn cao. Đây là những giống cây ăn trái có múi mà có thể làm gốc ghép cho bưởi da xanh và bưởi 5 roi rất tốt, chống chịu được mặn ở 6-8 ‰ và cho ra trái không khác biệt so với cây trồng chiết cành.

► Không nên lấy sản lượng bù thu nhập

* Thời gian qua, cụm từ “sản xuất bền vững” được nhắc nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo Tiến sĩ, để sản xuất cây ăn trái tại ĐBSCL bảo đảm bền vững, cần có những giải pháp gì?

- Để sản xuất cây ăn trái bền vững, trước hết phải quan tâm đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống tưới tiêu (thủy lợi nội đồng) hợp lý nhằm ngăn chặn xâm nhập mặn, phòng chống ngập lụt, đối phó với hạn hán kéo dài. Tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu, thủy hải văn và nông nghiệp. Xác định các giống cây trồng chịu ảnh hưởng của BĐKH, đánh giá mức độ ảnh hưởng và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng. Đầu tư nguồn kinh phí cho công tác chọn lọc, lai tạo những dòng/giống cây ăn quả (xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn...) chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, phèn, mặn, ngập. Xây dựng các mô hình trồng giống cây trồng thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường nhằm ứng phó với tác động của BĐKH đang xảy ra ở ĐBSCL. Nghiên cứu tác động của BĐKH đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh hại trên cây ăn quả và biện pháp quản lý tổng hợp.

* Còn vai trò của yếu tố thị trường sẽ được giải quyết như thế nào, thưa Tiến sĩ?

- Đây là yếu tố bà con cần phải chú ý. Thời gian qua, việc phát triển quá nóng loại cây trồng nào mà chưa có thị trường đầu ra ổn định sẽ dẫn đến rủi ro rất cao. Ví dụ sầu riêng là cây ăn trái đặc sản tại ĐBSCL, tuy nhiên hiện nay chủ yếu xuất qua Trung Quốc nhưng chưa chính ngạch. Vì vậy, nếu chúng ta sản xuất diện tích quá lớn, sản lượng cung cao hơn cầu thì sẽ gặp khó khăn đầu ra, lúc này giá xuống quá thấp, sản xuất không hiệu quả, sẽ thiệt hại lớn cho bà con. Do đó, chúng ta cần trồng loại cây trồng có thị trường nội địa ổn định cũng như xuất khẩu được.

Bên cạnh yếu tố thị trường, còn một yếu tố khác rất quan trọng là chất lượng sản phẩm. Không chỉ làm ra sản phẩm chất lượng mà cũng cần phải có hình thức và mẫu mã tốt. Bà con đừng nghĩ lấy sản lượng bù thu nhập, rất nguy hiểm, vì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do đó, đừng để người tiêu dùng quay mặt với nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây bởi khi họ quay mặt thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thuyết phục, tạo dựng lại lòng tin. Sản xuất phải đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chúng ta còn sản xuất nhỏ lẻ, phải liên kết lại thành nhóm tập thể, ví dụ như hợp tác xã, tổ hợp tác. Lúc này, diện tích sản xuất lớn, có sản lượng tương đối cao sẽ dễ dàng trong ký kết bao tiêu sản phẩm cũng như đàm phán về giá cả, tránh trường hợp bị ép giá như trong sản xuất đơn lẻ.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Bình Nguyên (thực hiện)

Chia sẻ bài viết