12/07/2022 - 09:22

Ðức “gồng mình” trước nguy cơ Nga cắt khí đốt 

MAI QUYÊN (Theo DW)

Tuy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 hiện chỉ dừng hoạt động do công tác bảo trì, người Ðức vẫn “chuẩn bị tinh thần” cho tình huống xấu nhất nếu Nga chọn dịp này để ngừng cung cấp khí đốt  nhằm gây áp lực chính trị.

Nord Stream 1 hiện bảo trì theo lịch, nhưng Ðức lo ngại Nga có thể trì hoãn lâu hơn.

Đường ống Nord Stream 1 dài 1.220km chạy dưới Biển Baltic từ Nga đến Ðức bắt đầu khóa van từ ngày 11 đến 21-7. Công việc được tiến hành theo lịch bảo dưỡng hàng năm, nhưng người Ðức lúc này đang nghiêm túc suy nghĩ liệu dòng khí đốt có mở lại hay không. Vốn từ tháng trước, Nga đã cắt 40% khí đốt qua Nord Stream 1 với lý do tập đoàn Siemens Energy của Ðức không trả lại tuabin nén khí được bảo trì ở Canada, khiến hoạt động bơm khí bị ảnh hưởng. Ðức sau đó rất nỗ lực vận động Canada và Ủy ban châu Âu tìm cách đưa tuabin kia về cho Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt. Vài ngày trước, Canada xác nhận ban hành lệnh miễn trừ tạm thời, cho phép trả lại một tuabin đã sửa chữa cho Nga. Ðiện Kremlin ngày 8-7 cho biết sẽ cân nhắc tăng cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 sau khi tuabin được trả lại.

Nhưng với lịch bảo trì hiện nay, có nhiều quan ngại Nga dừng vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 như đòn bẩy chính trị. Bộ trưởng Kinh tế Ðức Robert Habeck thừa nhận mọi kịch bản đều có thể xảy ra và Berlin chỉ có thể chuẩn bị và cố hết sức để đối phó tình huống xấu nhất. Ngoài Nord Stream 1, Ðức còn nhận khí đốt từ Nga qua một số đường ống khác, song lưu lượng qua các đường ống này cũng giảm.

Khủng hoảng kinh tế rình rập

Năng lượng giá rẻ nhập từ Nga đóng vai trò rất quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Ðức, đặc biệt khi Berlin không có phương án khả dĩ nào thay thế nguồn hydrocarbon từ Nga để sản xuất điện, cung cấp năng lượng cho xe cộ, nhà máy hay sưởi ấm các hộ gia đình vào mùa đông. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga gián đoạn, giới chuyên gia cảnh báo kinh tế Ðức vốn tập trung vào sản xuất và xuất khẩu có thể đối mặt suy thoái sau 2 thập kỷ phát triển không ngừng.

Hồi tháng 6, nghiên cứu của Viện Prognos (Thụy Sĩ) dự báo nguồn cung nhiên liệu từ Nga bị chặn có thể làm giảm 50% sản lượng các lĩnh vực sản xuất như thép, sắt thô, hóa chất và thủy tinh. Một số nhà kinh tế ước tính sản lượng kinh tế của Ðức có thể giảm 12,7% vào cuối năm nay.

Những tuần gần đây, nhiều chủ nhà và các công ty quản lý bất động sản Ðức bắt đầu tăng chi phí sưởi ấm hàng tháng, có nơi lên đến 100% khi giá năng lượng leo thang. Ước tính, mỗi hộ gia đình sẽ phải chi thêm 3.870USD cho năng lượng trong năm tới.

Berlin tìm giải pháp

Trước mắt, Ðức đặt mục tiêu lấp đầy lượng khí đốt trong kho lên mức 80% và 90% lần lượt vào tháng 10 và tháng 11 tới, từ mức khoảng 61% hiện nay. Tình huống Nga ngừng cung cấp khí đốt, Viện Prognos dự báo Ðức không có đủ nguồn năng lượng cho mọi người sau 4 tuần. Trong bối cảnh như vậy, Bộ trưởng Habeck vài tuần qua đã kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng và Bộ Kinh tế cũng làm gương bằng cách tắt điều hòa không khí và ít sử dụng hệ thống sưởi hơn vào mùa thu.

Về dài hạn, Ðức hy vọng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt dựa vào năng lượng tái tạo. Thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, Ðức đang trả khoảng 208 triệu USD/ngày để nhập khẩu năng lượng Nga. Những tuần sau đó, Berlin gấp rút chi hàng tỉ USD cho các kế hoạch dự phòng trước lo ngại Mát-xcơ-va sử dụng khí đốt làm phương tiện chống lại phương Tây trong cuộc chiến với Ukraine. Các nỗ lực này bao gồm giành quyền kiểm soát các nhà máy thuộc sở hữu của Nga ở Ðức, thay đổi luật để đẩy nhanh những kế hoạch phát triển năng lượng bị đình trệ và tìm kiếm nguồn cung mới ở nước ngoài.

Chia sẻ bài viết