30/03/2025 - 07:52
“Sống khỏe” nhờ tre tứ quý
 
Ông Nguyễn Văn Cua, ngụ phường Tân Phú, quận Cái Răng được biết đến là người đầu tiên đưa cây tre Tứ Quý bén duyên với vùng đất này. Với ưu điểm không kén đất, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, đầu ra thuận lợi, cây tre Tứ Quý đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Cua hơn 15 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Cua (trái) bên vườn tre Tứ Quý của gia đình.
Nói về cơ duyên với cây tre Tứ Quý, ông Cua chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm vườn vào khoảng 20 tuổi và trồng qua nhiều loại cây (cam, bưởi, mận, dừa…) nhưng không mang lại kết quả mong đợi. Năm 2009, trong một lần xem tivi tôi biết đến giống tre Tứ Quý nên nhờ người quen mua 100 nhánh về trồng xen với vườn dừa, với mục đích ban đầu chỉ là lấy măng ăn”.
Sau 8 tháng trồng, tre bắt đầu cho đợt măng đầu tiên. Khác với các loại măng thông thường, măng tre Tứ Quý có vỏ xanh, không có lông, thịt trắng, không có hậu đắng nên lần đầu tiên thưởng thức mọi người trong nhà đều tấm tắc khen ngon. Không những vậy, măng còn mọc rất nhiều ăn không hết nên gia đình đem ra chợ bán. “Lần đầu tiên bán, vợ tôi không nắm được giá thị trường, cứ rao 30.000 đồng/kg. Ðiều ngạc nhiên là măng bán rất chạy, thoắt cái 15kg măng hết vèo và thu được 450.000 đồng. Ðây là con số không ngờ. Vì trước đây, tôi bán dừa cả lứa được 400.000-500.000 đồng nay chỉ 1 buổi chợ đã được ngần ấy tiền” - ông Cua kể lại.
Với hiệu quả mang lại ban đầu, sau khi tính toán thiệt hơn, ông Cua nghĩ đến việc nhân giống để nhân rộng diện tích trồng tre Tứ Quý. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, đợt đầu tiên làm giống, ông Cua hoàn toàn thất bại. Sau nhiều lần nghiên cứu ông nhận ra, tre Tứ Quý phải chiết giống vào mùa khô (thay vì mùa mưa như các loại cây khác) thì cây tre mới ra rễ. Khâu nhân giống thành công, ông Cua mạnh dạn trồng hết tre Tứ Quý toàn bộ diện tích vườn 6.000m2 (khoảng 400 bụi).
Khi hỏi về cách trồng và chăm sóc tre Tứ Quý, ông Cua nhận định: “Cho đến bây giờ, tôi chưa thấy có loại cây nào dễ trồng và chăm sóc nhàn qua cây tre Tứ Quý. Loại cây này thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt có thể trồng trên các loại đất bạc màu và gần như không sâu bệnh nên đỡ tốn chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình canh tác người trồng cần thường xuyên phát dọn cành vô hiệu để tạo môi trường thông thoáng, vun gốc cao, giữ ẩm cho gốc tre để kích thích ra măng non. Trung bình 1.000m2 trồng 100 bụi tre, mỗi bụi tre trồng cách nhau khoảng 2,5-3m, mùa nắng cách 2 ngày tưới nước 1 lần, bón phân 2 tháng/lần. Tre Tứ Quý trồng khoảng 8 tháng bắt đầu cho thu hoạch măng đợt đầu tiên. Mỗi cây tre Tứ Quý cho từ 4-8 măng tre, trọng lượng đạt từ 1,5-2 kg/măng tre.
Một điểm đặc biệt của vườn tre Tứ Quý nhà ông Cua là chỉ chuyên lấy măng mùa nghịch. Theo ông Cua, cách làm này là để thu được lợi nhuận tốt nhất và đảm bảo thời gian dưỡng cây. Ông Cua, chia sẻ: “Cây tre Tứ Quý cho măng quanh năm, chỉ nghỉ 2 tháng thay lá. Tuy nhiên, nếu chúng ta “tận thu” cây sẽ mất sức và giảm tuổi thọ. Mỗi năm, măng vụ thuận sẽ rơi vào mùa mưa (tháng 5, 6, 7 âm lịch) và vụ nghịch vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch). Vào vụ thuận, tôi chỉ thu hoạch cầm chừng, thậm chí không thu hoạch để dưỡng sức cho cây. Lúc này, tôi chú ý đến việc chọn ra măng tốt nhất làm cây bố mẹ. Các cây già cỗi tôi tiễn bớt để tạo thông thoáng cho vườn. Qua đến vụ nghịch, tôi tiến hành bón phân để kích thích mọc măng. Lúc này tre sẽ cho măng có năng suất cao, giá bán lại rất tốt”. Chính nhờ “mẹo” chăm sóc này mà vườn tre Tứ Quý của ông Cua đã 16 năm tuổi nhưng vẫn có sức bền và luôn xanh mướt.
Từ hiệu quả kinh tế mang lại, ông Cua thuê thêm 4.000m2 đất trồng thêm 350 bụi tre Tứ Quý. Như vậy, với tổng diện tích 10.000m2, mỗi năm ông Cua thu hoạch khoảng 20 tấn măng tươi. Với giá bán dao động từ 15.000-50.000 đồng/kg, tùy thời điểm, ông Cua thu lợi nhuận khoảng 500-600 triệu đồng. Ngoài măng tre, ông Cua còn “hái ra tiền” từ việc bán lá tre (dùng gói bánh), thân tre (làm nhà, hàng thủ công mỹ nghệ...) và cây giống. Theo đó, với giá bán thân tre 20.000 đồng/cây, lá tre 6.000-10.000 đồng/kg và cây giống 25.000 đồng/cây, mỗi năm ông Cua có thêm khoảng 300 triệu đồng tiền bán cây giống và 50 triệu đồng tiền bán thân, lá tre.
Từ thành công của bản thân, ông Cua mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm, cung ứng cây giống mở rộng mô hình trồng cây tre Tứ Quý với các hộ dân gần nhà. Ông Cua hiện là Tổ Phó Tổ hợp tác trồng Tre Tứ Quý với diện tích 2,3ha, với 6 thành viên tham gia.
Ðược đánh giá là mô hình “làm chơi ăn thiệt”, trồng tre Tứ Quý dần lan rộng tại phường Tân Phú. Khởi phát từ 1 tổ hợp tác trồng tre Tứ Quý, với 3 thành viên, nay phường Tân Phú đã nhân rộng lên 3 tổ hợp tác, với 16 thành viên, tổng diện tích 5,2ha. Theo ông Huỳnh Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Phú, sắp tới Hội sẽ kiện toàn, nâng chất 3 tổ hợp tác nói trên thành Chi hội nghề nghiệp trồng tre Tứ Quý. Ðồng thời, tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với Hội Nông dân quận, thành phố tăng cường kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành phía Bắc, kênh thương mại điện tử; đa dạng hóa sản phẩm (măng chua, hàng thủ công mỹ nghệ…) để gia tăng giá trị cho cây tre Tứ Quý.
Bài, ảnh: MỸ THANH
Chia sẻ bài viết |
|
Tổng biên tập: TRƯƠNG VĂN CHUYỂN
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thanh Tuấn - Dương Hồ Vũ
Giấy phép số 789/GP-BTTTT, do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 02-12-2021
24 Trần Văn Hoài, P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ - Điện thoại: (0292) 3830098 - Fax: (0292) 3830561
Email: toasoan@baocantho.com.vn
Liên hệ giao dịch quảng cáo, rao vặt: quangcao@baocantho.com.vn
Ghi rõ nguồn "Báo điện tử Cần Thơ" khi phát hành lại thông tin từ website này