04/12/2023 - 09:19

Ðông Á nỗ lực cải thiện tỷ lệ sinh 

Trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở các quốc gia Ðông Á “tụt dốc không phanh”, các nước trong khu vực đã tìm mọi cách để “vực dậy”, từ làm “bà mối”, hỗ trợ tiền sinh con cho tới khuyến khích nam giới nghỉ phép chăm con.

Giới trẻ Hàn Quốc háo hức tham gia ngày hội mai mối do chính quyền thành phố Seongnam tổ chức. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc làm “bà mối”

Mới đây, 100 nam giới và phụ nữ Hàn Quốc mặc đồ đẹp, đeo thẻ tên, trang điểm kỹ càng đã có mặt trong ngày hội mai mối do thành phố Seongnam tổ chức - một nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh ở quốc gia mà giới trẻ thờ ơ với việc kết hôn và việc làm cha mẹ. Theo hãng tin Reuters, những người tham gia trong độ tuổi từ 20-30.

Chính quyền thành phố Seongnam cho hay, sau 5 ngày hội tổ chức trong năm nay, 198 trong số 460 người đã được “ghép đôi”. Ðược biết, thủ đô Seoul cũng từng cân nhắc tổ chức sự kiện tương tự nhưng buộc phải dừng kế hoạch vì đối mặt chỉ trích lãng phí tiền thuế của người dân. Những người chỉ trích cho rằng giới chức thủ đô nên tập trung giải quyết lý do chính khiến người dân không muốn kết hôn, sinh con là chi phí nhà ở và giáo dục.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc năm 2022 giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 0,78 con/phụ nữ. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ sinh trung bình của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế là 1,58. Jung Jae-hoon, giáo sư khoa phúc lợi xã hội tại Ðại học Phụ nữ Seoul, cho rằng kỳ vọng những sự kiện mai mối như vậy sẽ thúc đẩy tỷ lệ sinh là “vô nghĩa". Theo ông Jung, để thúc đẩy tỷ lệ sinh, Hàn Quốc cần phải chi tiêu nhiều hơn, trực tiếp hơn vào việc hỗ trợ mang thai, sinh đẻ và nuôi dạy con cái.

Bất chấp chỉ trích, hàng ngàn người vẫn đăng ký tham gia các sự kiện mai mối do thành phố Seongnam tổ chức. Thị trưởng Seongnam Shin Sang-jin tuyên bố rằng việc tuyên truyền quan điểm tích cực về hôn nhân sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh, đồng thời nhấn mạnh sự kiện mai mối chỉ là một trong nhiều chính sách mà thành phố đang triển khai. “Tỷ lệ sinh thấp không thể giải quyết chỉ bằng một cách. Nhiệm vụ của thành phố là tạo môi trường để những người muốn lập gia đình tìm được bạn đời” - ông Shin nói.

Trung Quốc tung dự thảo Luật Giáo dục Mầm non

Trước đó, các nhà lập pháp Trung Quốc trong nỗ lực khuyến khích người dân sinh thêm con sau đợt sụt giảm dân số đầu tiên sau 6 thập niên hồi cuối tháng 8 đã đệ trình một dự thảo luật nhằm làm cho các trường mầm non trở nên dễ tiếp cận và có mức học phí “dễ thở” hơn.

Dự thảo Luật Giáo dục Mầm non nói trên bao gồm các biện pháp nhằm hạn chế việc các nhà cung cấp dịch vụ mầm non hưởng lợi quá mức. Theo dự luật, trẻ em khi đăng ký vào trường mầm non không phải chịu “bất kỳ hình thức kiểm tra nào ngoại trừ các cuộc kiểm tra cần thiết về thể chất”. Ngoài ra, việc vui chơi phải được ưu tiên trong khi việc giảng dạy bất kỳ kiến thức tiểu học nào trong thời gian mẫu giáo đều bị cấm.

Dự thảo luật được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục, còn 1,09 con/phụ nữ vào năm 2022. Theo Reuters, chính chi phí chăm sóc trẻ em cao và yêu cầu tạm dừng sự nghiệp để nuôi con đã khiến nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh thêm con.

Trước lo ngại về tình trạng dân số già đi nhanh chóng, Trung Quốc đang khẩn trương thử nghiệm một loạt biện pháp nhằm nâng tỷ lệ sinh, gồm các ưu đãi về tài chính và cải thiện cơ sở chăm sóc trẻ em.

Nhật Bản khuyến khích nam giới nghỉ phép chăm con

Hồi giữa tháng 11, chính quyền thành phố Tsukuba đã đưa ra một biện pháp mới nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phép nhân viên nam nghỉ phép để chăm sóc con cái. Thị trưởng Tsukuba Tatsuo Igarashi hy vọng rằng bằng hỗ trợ này, các công ty sẽ thấu hiểu và cho phép nhân viên nam được nghỉ phép để chăm sóc con mà không lo gây phiền hà cho người khác.

Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ hưởng được ưu đãi dựa trên số ngày nhân viên nam được nghỉ phép để chăm sóc con cái. Cụ thể, khoản tiền ưu đãi sẽ được trả theo số ngày nghỉ của mỗi nam nhân viên lần lượt theo các mức: 100.000yen (khoảng 660USD) trong 14-27 ngày; 200.000yen trong 28-55 ngày; 300.000yen trong 56-83 ngày và 400.000yen trong 84 ngày trở lên. Nếu tìm được người thay thế, doanh nghiệp đó sẽ nhận được thêm 50% số tiền ưu đãi, tối đa là 100.000yen.

Hong Kong hỗ trợ tiền mặt

Thật ra, chính sách trợ cấp sinh con không phải là mới. Singapore, nơi có tỷ lệ sinh 1,05, cung cấp khoản hỗ trợ 11.000SGD (tương đương 8.030USD) cho cả đứa con đầu tiên và đứa con thứ hai và 13.000SGD cho đứa con thứ ba. Trong khi đó ở Hàn Quốc, mỗi bà mẹ tương lai sẽ nhận được khoản trợ cấp một lần là 2 triệu won (tương đương 1.480USD).

Hong Kong cũng đưa ra biện pháp riêng cho mình. Trưởng đặc khu hành chính Lý Gia Siêu trong bài phát biểu về chính sách hàng năm hôm 25-10 tuyên bố thưởng tiền mặt trị giá 20.000HKD (tương đương 2.557USD) cho cha mẹ của mỗi em bé sinh được ra từ nay đến năm 2026 trong nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ sinh đang sụt giảm mạnh tại đặc khu hành chính này. “Sinh con là một quyết định quan trọng trong đời và cần phải cân nhắc tới nhiều vấn đề” - ông Lý cho biết, qua đó công bố một loạt biện pháp hỗ trợ tài chính, gồm động thái cắt giảm thuế trước bạ đối với người mua nhà từ 15% xuống 7,5%.

Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ ở Hong Kong đều cảm thấy biện pháp khuyến khích sinh con nói trên sẽ không đủ để khuyến khích họ sinh thêm con, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tại đây quá cao. Nhiều cư dân ở thành phố nổi tiếng đắt đỏ này cho rằng số tiền 2.557USD chỉ đủ để trả tiền thuê nhà một tháng.

Giáo sư Paul Yip Siu-fai, chuyên gia nghiên cứu sức khỏe dân số tại Ðại học Hong Kong, nhận định, việc hỗ trợ tiền mặt một lần này sẽ không giải quyết được mối lo ngại tài chính lâu dài của các bậc phụ huynh. “Có 3 vấn đề cần cân nhắc khi sinh con, đó là sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục chúng. Tôi không nghĩ rằng người nào đó đồng ý sinh con chỉ vì 20.000HKD nhưng chắc chắn số tiền đó sẽ giúp ích cho những bậc cha mẹ muốn có con nhưng gặp khó khăn về tài chính” - giáo sư Yip cho biết. Theo ông này, chính quyền Hong Kong cần phải làm nhiều hơn để giúp đỡ các bậc cha mẹ trong giai đoạn thứ hai, chẳng hạn như khuyến khích môi trường văn phòng thân thiện, tạo điều kiện tốt hơn cho các bậc cha mẹ, như giới thiệu các mô hình giờ làm việc linh hoạt.

Tỷ lệ sinh của Hong Kong đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,9 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 2,1 cần thiết để đảm bảo dân số ổn định.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết