15/12/2013 - 20:53

“Ngoại nhân” trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina

Trong hai ngày cuối tuần, Thượng nghị sĩ kỳ cựu John McCain và Chủ tịch tiểu ban châu Âu của Thượng viện Mỹ Chris Murphy đã lần lượt tới Ukraina gặp gỡ các thủ lĩnh phe đối lập đang chỉ huy cuộc biểu tình đòi chính phủ từ chức và tổ chức bầu cử sớm. Tại đây, hai ông đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người biểu tình, điều chắc chắn khiến Nga nổi giận bởi dám quấy rối "sân sau" của họ.

Có quy mô diện tích, dân số và kinh tế khá lớn cùng với vị trí địa lý nằm cạnh Nga, không khó hiểu khi Ukraina bị giằng co giữa Mát-xcơ-va và phương Tây. Nga cần Ukraina ngả về phía mình và tham gia Liên minh Thuế quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) để dần dần mở rộng, biến tổ chức này thành đối trọng với Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, EU cũng muốn lôi kéo Ukraina và hai bên suýt chút nữa đã ký hiệp ước liên kết hồi cuối tháng 11 vừa qua nếu Tổng thống Viktor Yanukovich không đột ngột "bẻ chĩa" vào phút chót, quay sang tăng cường quan hệ với Mát-xcơ-va. Đáng chú ý là quyết định đó được ông Yanukovich đưa ra không lâu sau chuyến thăm Nga, và trong lúc các cuộc biểu tình đang diễn ra rầm rộ ở Kiev thì ông lại sang xứ bạch dương gặp Tổng thống Vladimir Putin vào thượng tuần tháng 12.

Trở lại chuyến đi Ukraina của nghị sĩ McCain và Murphy. Một ngày trước khi hai ông lên đường, Thượng viện đã ra nghị quyết yêu cầu chính quyền Mỹ xem xét trừng phạt Kiev nếu cảnh sát tiếp tục dùng vũ lực chống lại người biểu tình. Đây có thể là kết quả hai chuyến công cán Ukraina trong vòng một tuần của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland.

Dĩ nhiên sự quan tâm của Brussels đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraina không thể kém Washington. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle là quan chức cấp cao đầu tiên của phương Tây tới Kiev và gặp gỡ các lãnh đạo biểu tình, khiến Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bức xúc gọi đây là hành động "can thiệp vào công việc nội bộ" của… Ukraina. Sau ông Westerwelle, một loạt chính khách khác của EU đã lần lượt tới đây cổ vũ cho người biểu tình, như cựu Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski, Chủ tịch Hạ viện Lít-va Loreta Grauziniene, Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans…Cao ủy an ninh và đối ngoại EU Catherine Ashton cũng có mặt ở đây hồi giữa tuần rồi nhằm tìm cách cứu vãn hiệp ước liên kết. Sau chuyến đi của bà, Thủ tướng Mykola Azarov cho biết Ukraina sẽ ký hiệp ước với điều kiện EU hỗ trợ tài chính 27,5 tỉ USD cho họ trước. Một quan chức Kiev gọi đây là "Kế hoạch Marshall" của EU, giống như việc Mỹ hồi sau Thế chiến thứ hai bỏ ra một đống tiền (tương đương 148 tỉ USD theo thời giá hiện tại) để tái thiết Tây Âu nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô.

Không biết trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay Brussels có đáp ứng yêu cầu này hay không, nhưng dễ nhận ra rằng có bóng dáng "ngoại nhân" đằng sau những bất ổn chính trị ở Ukraina.

LÊ DÂN

 

Chia sẻ bài viết