25/03/2024 - 17:59

“Ngoại giao sân vận động” của Trung Quốc 

Các công ty Trung Quốc vừa được trao hợp đồng xây dựng 2 sân vận động lớn mới ở Tanzania và Kenya. Giới quan sát cho rằng sự kiện này là một phần của chính sách “ngoại giao sân vận động” có truyền thống từ nhiều thập niên qua của Bắc Kinh.

Sân vận động Alassane Ouattara của Bờ Biển Ngà, nơi tổ chức Afcon lần thứ 34. Ảnh: Stadiumdb

Tanzania hôm 19-3 đã trao cho Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCEG) hợp đồng trị giá 112 triệu USD để xây dựng sân vận động Samia Suluhu Hassan theo tên của vị tổng thống đương nhiệm. Sân vận động với 30.000 chỗ ngồi này được đặt ở thành phố Arusha, phía Bắc Tanzania.

Theo Bộ trưởng Văn hóa, Nghệ thuật và Thể thao Tanzania Damas Ndumbaro, sân vận động này sẽ được hoàn thành trước thời điểm diễn ra Cúp bóng đá châu Phi 2027 (Afcon), giải thi đấu thể thao lớn nhất lục địa đen mà Tanzania sẽ đồng đăng cai tổ chức với các nước láng giềng Đông Phi Kenya và Uganda. Theo kế hoạch, sân vận động cũng sẽ tổ chức các hoạt động thể thao khác như điền kinh, cùng các sự kiện thương mại nhằm giúp thúc đẩy ngành du lịch trong nước.

Trong khi đó, tại Kenya, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) được trao hợp đồng xây dựng sân vận động Talanta có sức chứa 60.000 chỗ ngồi theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). Mặc dù kinh phí xây dựng vẫn chưa được tiết lộ nhưng sân vận động dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 12-2025 và sẽ là địa điểm chính tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Afcon 2027. Song, theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, sân vận động Talanta sẽ được xây dựng theo thỏa thuận hợp tác công - tư, tương tự như mô hình mà CRBC đã sử dụng để tài trợ và xây dựng đường cao tốc Nairobi dài 27km, nối sân bay chính của Kenya đến thủ đô của nước này. 

Tại lễ khởi công sân vận động Talanta hồi đầu tháng này, Tổng thống Kenya William Ruto cho biết: “Tôi đã nhất trí với Bộ Thể thao và Bộ Quốc phòng rằng sân vận động sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới với kỷ luật quân đội. Do đó, tôi mong rằng tất cả các mốc thời gian mà chúng ta đã thỏa thuận đều được nhà thầu đáp ứng. Tôi sẽ có mặt ở đây cứ 3 tháng một lần cho đến khi sân vận động được hoàn thành”.

Theo SCMP, 2 sân vận động nói trên là những sân vận động mới nhất trong danh sách dài các sân vận động mà các công ty Trung Quốc đã xây ở châu Phi và đây cũng là một phần của chính sách “ngoại giao sân vận động” của Bắc Kinh nhằm tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi. Tại Afcon lần thứ 34 được tổ chức ở Bờ Biển Ngà hồi đầu năm 2024, Trung Quốc cũng đã tài trợ và xây dựng ít nhất 3 sân vận động, gồm sân vận động Alassane Ouattara có sức chứa 60.000 chỗ ngồi ở phía Bắc thành phố Abidjan và sân vận động Laurent Pokou trị giá 107,5 triệu USD ở thành phố San Pedro.

Tổng cộng, Trung Quốc đã xây dựng hơn 100 sân vận động trên khắp châu Phi. Giới quan sát cho rằng số sân vận động này là một phần trong kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước châu Phi bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trong đó gồm các trụ sở ngoại giao, cơ sở giáo dục quân sự, dinh tổng thống, tòa nhà quốc hội hay bệnh viện.

Viết trên tờ The Conversation, Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh SKEMA (Pháp) và Chris Toronyi, giảng viên Đại học Loughborough (Anh), cho rằng việc xây dựng sân vận động gắn liền với sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc. “Được liên kết với BRI, các sân vận động thường được tặng cho các quốc gia châu Phi hoặc được họ trả bằng cách sử dụng các khoản vay với lãi suất tương đối rẻ của Trung Quốc”, 2 chuyên gia cho biết. Trong khi đó, Paul Nantulya, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược châu Phi (Mỹ), cho rằng việc xây dựng sân vận động và các dự án viện trợ khác là “một giải pháp hiệu quả về mặt chi phí” nhằm tạo ra ảnh hưởng chính trị với giới tinh hoa tại khu vực.

Tuy nhiên, nhiều sân vận động do Trung Quốc xây dựng ở châu Phi rơi vào tình trạng hư hỏng hoặc lãng phí. Như sân vận động tại thủ đô Libreville của Gabon gần như không được sử dụng kể từ trận chung kết Afcon năm 2017. Sân vận động quốc gia của CH Trung Phi thậm chí chưa thể tổ chức trận đấu nào của đội tuyển bóng đá quốc gia. Sân vận động San Pedro với sức chứa 20.000 ngỗ ngồi ở Bờ Biển Ngà được cho là quá lớn so với nhu cầu người xem.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết