16/11/2013 - 19:34

“Mánh khóe” của các hãng sữa quốc tế ở Trung Quốc

Trước doanh số sữa bột trẻ em ở Mỹ giảm mạnh do tỷ lệ sinh thấp và xu hướng nuôi con bằng sữa mẹ gia tăng, các quốc gia đang phát triển dần trở thành thị trường chủ yếu của các hãng sữa toàn cầu. Năm 2008, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành thị trường sữa bột lớn nhất thế giới. Mới đây, một bài viết trên báo Anh Reuters đã hé lộ các phương thức tinh vi mà các hãng sữa dùng để thâu tóm thị trường đông dân nhất thế giới này.

Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết các công ty ngoại quốc hiện kiểm soát 1/3 thị trường sữa bột Trung Quốc và 2 trong 3 thương hiệu bán chạy nhất ở đây là của nước ngoài. Cụ thể, nhãn hàng Mead Johnson (Mỹ) đang chiếm thị phần 14%, Danone (Pháp) 9% và Nestle (Thụy Sĩ) 7,5%. Euromonitor dự đoán doanh thu sữa bột trẻ em tại Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 12 tỉ USD lên 25 tỉ USD trong giai đoạn 2012-2017.

Gian hàng sữa bột ngoại quốc trong một siêu thị ở Bắc Kinh thu hút nhiều bà nội trợ. Ảnh: Reuters  

Năm 1995, Trung Quốc đã ban hành một quy định khắt khe về việc buôn bán và tiếp thị sữa bột trẻ em. Theo đó, các bệnh viện bị cấm nhận hoặc giúp công ty sữa bột tặng mẫu dùng thử, hoặc quảng cáo sản phẩm sữa bột đến các gia đình có trẻ dưới 6 tháng tuổi, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt như sản phụ không có đủ sữa hay không thể cho con bú vì lý do y tế (tiêm hóa chất khi mổ bắt con…). Quy định còn buộc các cơ sở y tế tích cực quảng bá lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ.

Dẫu vậy, mức xử phạt vi phạm còn mang tính "khoan dung" (tối đa 30.000 nhân dân tệ, tương đương 4.900 USD), trong khi việc thực thi rất phức tạp do quy định chồng chéo. Ngoài ra, mức độ nhận thức của người dân cũng hạn chế. Theo hãng nghiên cứu Beijing Shennong Kexin Agribusiness Consulting, bệnh viện vẫn là một trong 4 kênh chính bán sữa bột cho trẻ sơ sinh tại Trung Quốc (cùng với siêu thị, cửa hàng sản phẩm em bé và Internet).

Reuters phát hiện các công ty sữa bột đã tìm mọi cách "lách" luật. Nhiều bà mẹ tiết lộ sữa bột được quảng cáo bằng vô số phương thức: bác sĩ phát thẻ giảm giá sữa trong thời gian kiểm tra trước khi sinh cho thai phụ, nhân viên bệnh viện dán miếng dán nhận diện trẻ mới sinh mang hình nhãn hiệu các hãng sữa, đại diện các công ty vào tận phòng bệnh để phát mẫu sữa cho các bà mẹ vừa sinh con... Một sản phụ tên Lucy Yang cho biết sau khi cô sinh con hồi tháng 8 năm ngoái tại Bệnh viện Đại học Bắc Kinh, các bác sĩ và y tá nói cô không đủ sữa và khuyên dùng thêm sữa bột Nestle. Các y tá còn dọa rằng nếu dùng sữa của hãng khác, có chuyện gì xảy ra họ sẽ không chịu trách nhiệm.

Tiếp xúc với thai phụ ở các lớp học trước khi sinh cũng là "mánh lới" được các hãng sữa áp dụng. Vì lợi ích trước mắt, nhiều bệnh viện và y bác sĩ thậm chí "bán" luôn quyền điều hành các lớp học trước khi sinh cho bên thứ ba (bao gồm các hãng sữa). Quyền này cho phép các công ty được hướng dẫn lớp học, phát tài liệu quảng cáo sản phẩm... Đa số các công ty lớn đều cố tạo dựng mối quan hệ với chính phủ, tài trợ quỹ nghiên cứu của các bệnh viện, chi hoa hồng cho bác sĩ, đào tạo nhân viên y tế. Một số hãng còn tận dụng luôn "thị trường ngầm" về thông tin bệnh nhân để nắm tên tuổi, số điện thoại, ngày dự sinh của thai phụ và các sản phụ mới sinh để quảng bá sản phẩm.

Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đang đẩy mạnh chống tham nhũng nên hành vi phạm pháp của các hãng sữa lớn cũng rơi vào tầm ngắm. Đầu tháng 10 vừa qua, tập đoàn Danone thông báo thay thế các nhà quản lý ở Trung Quốc sau khi đài truyền hình quốc gia CCTV phát sóng một chương trình tố giác việc hãng Dumex (thuộc Danone) đã chi tiền cho bác sĩ ở thành phố Thiên Tân để thúc đẩy sử dụng các sản phẩm sữa bột trẻ em của họ. Trong vụ này, chính quyền Thiên Tân cũng đã xử phạt 13 nhân viên y tế từ cảnh cáo đến buộc thôi việc.

Đ. NHI (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết