31/05/2021 - 09:43

“Lấy nước đường xa”
Hành trình vượt lên số phận 

Cuốn tiểu thuyết “Lấy nước đường xa” của nữ tác giả người Mỹ gốc Hàn Linda Sue Park dựa trên một câu chuyện có thật ở châu Phi, kể về khát vọng và hành trình vượt lên số phận của những đứa trẻ là nạn nhân của chiến tranh. Tác phẩm nhận được Huân chương Newbery (giải thưởng thường niên được trao cho tác giả của cuốn sách thiếu nhi Mỹ xuất sắc nhất) và là sách bán chạy số 1 của Thời báo New York.
Sách do NXB Lao động phối hợp với Thái Hà Books phát hành năm 2021, qua bản dịch của Nguyễn Thanh Tùng.

“Lấy nước đường xa” được kể đan xen hai câu chuyện về hai đứa trẻ 11 tuổi, thuộc bộ tộc đối lập nhau, sống ở thời kỳ khác nhau tại miền Nam Sudan. Bé gái Nya năm 2008 và bé trai Salva năm 1985.

Cuộc nội chiến ở Sudan khiến cậu bé Salva Dut và hàng ngàn người phải sơ tán. Cậu bé thất lạc gia đình, phải vật lộn để sinh tồn, đồng thời trốn tránh nhiều mối nguy từ những phiến quân nổi loạn và thú rừng. Suốt 7 năm sau đó, Salva đã trải qua nhiều trại tị nạn khác nhau ở các nước giáp biên giới Sudan. May mắn thay, cậu là một trong số những đứa trẻ được tổ chức nhân đạo giới thiệu làm con nuôi của những gia đình ở Mỹ. Năm 24 tuổi, nhận được tin cha mình còn sống và đang điều trị tại một bệnh viện, Salva lập tức quay về quê hương. Cha anh bị nhiễm khuẩn đường ruột nặng do nguồn nước nhiễm bẩn. Salva trở về Mỹ và lên kế hoạch lập ra một tổ chức phi lợi nhuận để đào nên nhiều giếng sâu, mang nước sạch về cho người dân Sudan. Từ năm 2005 đến nay, dự án Water for Sudan do Salva thực hiện với sự hỗ  trợ từ nhiều nguồn đã lắp đặt khoảng 500 giếng nước tại các khu vực của Sudan, cải thiện đời sống của người dân nơi đây.

Song song đó là câu chuyện của cô bé Nya, cũng như bao bé gái khác, Nya không được đến trường. Việc của Nya là đi lấy nước về cho gia đình ở một cái ao cách nhà 2 tiếng đi bộ. Cô bé cứ đi đi - về về mỗi ngày hai lượt. Triền miên hết ngày này cho đến ngày khác. Đến mùa khô, khi nước ở ao cạn đi, gia đình Nya buộc phải di chuyển, dựng lán sống tạm ở một vùng đất khác. Và dù ở đâu thì công việc của Nya cũng vẫn vậy: lấy nước! Cho đến một ngày, có những người lạ mặt xuất hiện trong ngôi làng của cô, đào nên một giếng nước trong lành cho cả ngôi làng. Nya sung sướng khi không còn phải đi lấy nước đường xa và có cơ hội được đi học.

Ngắn gọn, súc tích nhưng đầy ám ảnh, “Lấy nước đường xa” khiến độc giả xót thương cho những đứa trẻ bất hạnh bởi đau thương ly loạn do chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, cùng sự nghèo khó, lạc hậu và thiếu nước trầm trọng. Hành trình sinh tồn của Salva hay hành trình lấy nước của Nya đều là những chặng đường gian nan đầy thử thách với những chi tiết đắt giá. Để qua đó, độc giả cảm thấy trân quý hơn hoàn cảnh sống của mình, thấy mình vẫn còn may mắn hơn so với những đứa trẻ ở châu Phi. Trên hết là ý chí kiên cường, tinh thần và nghị lực sống mãnh liệt giúp những đứa trẻ ấy bền bỉ vượt qua những điều kiện khắc nghiệt nhất để làm nên điều kỳ diệu.

Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010. “Lấy nước đường xa” nhanh chóng trở thành câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, được nhiều trường học ủng hộ thông qua hoạt động gây quỹ xây giếng nước do học sinh, giáo viên, phụ huynh đóng góp. Hiện tác phẩm vẫn đang tiếp tục lan tỏa đến nhiều bạn đọc trẻ, góp phần làm nên những câu chuyện đẹp và hành động nhân văn.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết