03/12/2018 - 22:18

“Láng giềng” và những sắc màu cuộc sống 

“Láng giềng” - Tập truyện ngắn đầu tiên của tác giả Trần Anh Dũng (Hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ) mang đậm dấu ấn miền Tây trong từng câu chuyện, văn phong, ngữ điệu và cả ý nghĩa. Chọn những đề tài gần gũi, đời thường, tác giả gửi gắm nhiều thông điệp tích cực về cuộc sống. Sách do NXB Hội Nhà văn xuất bản quý IV-2018.

Trong 14 truyện ngắn của tập truyện, phần lớn các truyện có bối cảnh, con người ở miền sông nước Cửu Long nên cái chất hào sảng, phóng khoáng và thật thà của người dân nơi đây được tác giả thể hiện rõ qua từng câu nói, cách hành xử. Vốn sống phong phú của người đi nhiều, trải nghiệm nhiều cũng giúp tác giả thể hiện sắc nét về kiến thức địa lý, lối sống, tâm tư, tình cảm của các nhân vật trong tác phẩm. Tư liệu đầy đặn, văn phong gần gũi, nhiều tình huống, chi tiết bất ngờ… tạo nên sức hút riêng cho tập truyện.

“Láng giềng” - truyện ngắn được chọn đặt tên cho cả tập truyện cũng để lại ấn tượng nhiều nhất cho người đọc. Chuyện hàng xóm, láng giềng thân thiết rồi vì hiềm khích mà trở mặt coi nhau như kẻ thù cũng không có gì xa lạ, nhưng chỉ vì phân biệt “người thành phố” với “kẻ nhà quê” từ một tấm biển phân chia ranh giới đất đai như 2 gia đình Tư Định và Bé Ba trong truyện thì cũng thật thú vị. Cái tâm lý thích làm người thành phố hay so kè với nhau từng chút một của các nhân vật được tác giả nắm bắt và đẩy lên đỉnh điểm mâu thuẫn rất tốt. Để cuối cùng, cái kết nhân văn của câu chuyện không chỉ giải quyết được “nút thắt” khó gỡ của 2 gia đình mà còn khẳng định, củng cố thêm ý nghĩa câu nói của dân gian: “Bán anh em xa, mua láng giếng gần!”.

Nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc là các truyện: “Tủ cá viên chiên”, “Bên dòng phù sa”, “Bên dòng cổ chiên”, “Trả lễ”. Đề cập đến mâu thuẫn vợ chồng, nghịch cảnh trong tình yêu nam nữ, mỗi truyện triển khai tâm lý nhân vật, kịch tính một cách tự nhiên và cái kết tuy rẽ hướng bất ngờ nhưng hợp tình, hợp lý. Có thể thấy rõ, tác giả đề cao đạo lý luân thường nên để cho các nhân vật thức tỉnh kịp lúc hoặc tìm được lối thoát cho những bế tắc trong tâm tưởng. Bởi buông bỏ thì dễ, nắm giữ và xây dựng hạnh phúc mới khó.

Sự toan tính, thực dụng của con người cũng là mảng đề tài được khai thác sắc nét trong tập truyện. Như ông bà Tư Đội trong truyện “Thằng Gù”, gia đình ông Sáu Nhơn trong truyện “Sổ hộ nghèo”, ông Tư Thạnh trong truyện “Đất long mạch”, bà con của Tuấn trong truyện “Cái bàn xoay”. Lòng tham che mờ tình cảm, lý trí khiến họ nghĩ sai, làm sai, để rồi “Người tính không bằng trời tính” mà phải nhận lãnh hậu quả đau lòng. Ở một khía cạnh khác, Thu trong “Những con thuyền giấy”, Út Thắm trong “Sóng gió cù lao” đã không biết trân quý hạnh phúc mình đang có, chạy theo ảo vọng tình yêu với nhân tình để chuốc lấy cái kết đắng.

Vẽ nên những gam màu đa dạng trong cuộc sống, tập truyện để lại nhiều cảm xúc và suy ngẫm cho người đọc.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
“Láng giềng”