13/06/2019 - 12:06

“Kỷ nguyên vàng” của điện toán di động sắp đến 

Máy tính xách tay sắp trải qua các cuộc cách mạng thiết kế sẽ định nghĩa lại thế giới điện toán di động.

Máy tính xách tay mới có thể gấp lại và không cần bàn phím.

Máy tính xách tay mới có thể gấp lại và không cần bàn phím.

Thời của PC, vỏ sò và máy tính lai sắp kết thúc

Chúng ta bắt đầu ngành công nghiệp máy tính cá nhân (PC) vào năm 1981. Sau 38 năm, ngành công nghiệp này đã mang lại doanh thu gần 3 nghìn tỉ đô-la và tạo ra rất nhiều tài sản và công ăn việc làm cho con người, từ phần mềm đến các dịch vụ hỗ trợ.

Vào thời kỳ đỉnh cao, ngành công nghiệp PC đã bán được gần 380 triệu chiếc mỗi năm. Nhu cầu về PC đã giảm trong 10 năm qua, nhưng các nhà sản xuất vẫn bán khoảng 270 triệu PC và máy tính xách tay mỗi năm trên toàn thế giới. Ngày nay, phần lớn máy tính cá nhân được bán là máy tính xách tay và notebook (một dạng laptop được thu gọn). Mặc dù máy tính để bàn vẫn được sản xuất, nhưng chúng chỉ chiếm khoảng 20% ​​tổng số PC được xuất xưởng hiện nay. Những cỗ máy làm việc thật sự thúc đẩy lối sống kinh doanh di động, tăng năng suất lao động, phát triển giáo dục, giải trí và ứng dụng truyền thông xã hội… 

Năm 1985, khi Toshiba giới thiệu chiếc máy tính xách tay vỏ sò đầu tiên, một thiết kế mà ngành công nghiệp PC chấp nhận phổ biến và người ta không ngờ nó đã tồn tại hơn ba thập kỷ. Bước đột phá đầu tiên với việc thoát khỏi vỏ sò truyền thống là vào năm 2012 khi mà Intel giới thiệu thứ máy tính gọi là “2 trong 1”. Đây là những chiếc máy tính bảng có bàn phím có thể tháo rời và hỗ trợ cảm ứng. Song song với những chiếc “2 trong 1” của Intel là iPad của Apple. Tuy nhiên, những loại máy tính di động này vẫn chưa thực sự bắt kịp hay đáp ứng thị hiếu người dùng. Chúng chỉ đại diện một phần nhỏ, chưa tới 10% của tất cả máy tính xách tay được bán ngày nay.

“Kỷ nguyên vàng” đang tới

Nếu nhìn vào lịch sử về các xu hướng trong máy tính xách tay,  từ năm 1985 đến năm 2012 được gọi là thời đại vỏ sò. Từ năm 2012 đến năm 2020, có thể được coi là kỷ nguyên lai. Bây giờ, khi sắp bước vào thập kỷ mới, chúng ta sắp được thấy một “Kỷ nguyên vàng” của điện toán di động, khi những tiến bộ trong các thành phần công nghệ đang tăng tốc. Trong thập kỷ tới, các nhà sản xuất máy tính di động sẽ có một loạt các công nghệ mới để làm việc, từ hóa học pin mới có thể cung cấp năng lượng cho máy tính xách tay trong một tuần, đến các chất bán dẫn điện áp thấp mới có đủ năng lượng để đưa hình ảnh ba chiều (3D) lên màn hình di động. Máy tính xách tay sẽ xử lý các ứng dụng và giao diện người dùng thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) và hoạt động với mặt kính có thể thay đổi hoàn toàn trải nghiệm điện toán di động. 

Trong ba năm tới, chúng ta sẽ thấy sự hoàn thiện của màn hình có thể gập lại được sử dụng trong máy tính xách tay cũng như điện thoại thông minh.

Trong ví dụ ban đầu về một chiếc laptop có thể gập lại được Lenovo giới thiệu vài tuần trước, được đặt tên ​​là ThinkPad X1, có màn hình 13 inch có thể gập lại một nửa. Lenovo đã ra mắt công nghệ này gần đây và một số người đã thử nghiệm khi còn nguyên mẫu. Nó được đánh giá là thiết kế tốt và Lenovo đã giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất với bất kỳ thiết bị nào có thể gập lại là phần bản lề. Bản lề đã được phát triển và cấp bằng sáng chế, theo đó, nếp gấp trên màn hình có thể trả lại trạng thái ban đầu cho dù bạn có gấp bao nhiêu lần trong suốt vòng đời. Chất lượng của thiết bị này là tuyệt vời vì nó được thiết kế bởi nhóm kỹ sư giỏi nhất của Lenovo đã tạo ra dòng máy tính xách tay ThinkPad. Vẫn chưa có ngày phát hành chính thức cho dù các nhà cung cấp máy tính xách tay khác đang làm việc trên các mẫu tương tự và có thể ra mắt tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) vào tháng 1 năm 2020. 

Mặc dù màn hình gập vẫn là một công việc đang tiến triển và có thể mất vài năm để hoàn thiện quy trình sản xuất, Lenovo đã cho chúng ta cái nhìn về tương lai của điện toán di động và cùng với những tiến bộ mới trong công nghệ được đề cập ở trên, có thể tạo ra thập kỷ tiếp theo "Kỷ nguyên vàng" của máy tính xách tay.

HOÀNG THY (Theo Computer World)

Chia sẻ bài viết