|
Các tay súng che mặt của phe nổi dậy chống chính quyền Tổng thống al-Assad. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Syrie Bashar al-Assad sẽ phải trao quyền cho cấp phó của mình để được “hạ cánh” an toàn ở nước ngoài (có thể là quốc gia đồng minh Nga) như trường hợp của người đồng nhiệm Yemen Ali Abdullah Saleh đang đến Mỹ “chăm sóc y tế”. Đó là “kế sách” giải quyết cuộc khủng hoảng bùng nổ hiện nay ở Syrie do Liên đoàn A-rập (AL) đề xuất, nhưng Nga đã lên tiếng cực lực phản đối.
Kịch bản của AL và sự phản đối của Nga
Hãng tin Anh Reuters cho biết Tổng thư ký AL Nabil al-Araby và Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim al-Thani sẽ có mặt tại New York (Mỹ) ngày 31-1 để vận động Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ủng hộ kế hoạch hòa bình của AL về việc Tổng thống al-Assad phải trao quyền lực cho cấp phó để được miễn truy tố khi lánh nạn qua nước ngoài. Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 29-1 tại Cairo (Ai Cập), ông al-Araby cho hay giới ngoại giao A-rập đang tiếp xúc với Nga và Trung Quốc, hai nước đã lên tiếng phản đối bất kỳ kịch bản nào của AL nhằm phế truất Tổng thống al-Assad.
Cùng với sự vận động trên, ngoại trưởng các nước thành viên AL sẽ nhóm họp tại Cairo ngày 5-2 tới để thảo luận sáng kiến thúc đẩy giới lãnh đạo Damas và phe đối lập Syrie trong vòng hai tháng thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc trước khi tiến hành các cuộc bầu cử dân chủ. Một chính phủ như vậy tất nhiên sẽ không có Tổng thống al-Assad, nhân vật được cho là người của cộng đồng Alawite thuộc nhóm Hồi giáo dòng Shiite thiểu số thân Iran. Chính quyền Damas đã bác bỏ ý tưởng này, cho rằng đây là sự can thiệp của AL vào vấn đề nội bộ của Syrie.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 29-1 cũng đã thể hiện sự phản đối quyết liệt của Mát-xcơ-va khi ông nhấn mạnh việc phương Tây và các quốc gia A-rập muốn ép buộc ông al-Assad từ bỏ quyền lực là “điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”, đồng thời cảnh báo Nga sẽ sẵn sàng dùng quyền phủ quyết trong HĐBA để ngăn chặn một nghị quyết mà Mát-xcơ-va cho là có thể phá hỏng cơ hội xoa dịu tình hình bất ổn ở Syrie. Ông Lavrov cũng phê phán quyết định của AL về việc chấm dứt phái bộ giám sát ở Syrie từ hôm 28-1. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Nhật Bản NHK mới đây, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc “một số đối tác của Nga trong HĐBA đang lợi dụng sự phân rã ở Syrie để đạt được các lợi ích địa chính trị riêng”. Theo tờ Le Figaro (Pháp), chế độ al-Assad đang được Nga xem là đồng minh sống còn của họ ở Trung Đông. Nga đang có một căn cứ quân sự trên Địa Trung Hải của Syrie, nơi đồng thời là thị trường tiêu thụ vũ khí lớn của Nga. Boris Dolgov, chuyên gia Viện Trung Đông, cho rằng Syrie là đồng minh cuối cùng của Nga tại Trung Đông, nên nếu Nga phản bội Syrie thì hình ảnh của Nga tại khu vực này sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Quân đội chính phủ phá vòng vây Thủ đô Damas
Sau sự rút lui của phái bộ giám sát của AL, phe đối lập vũ trang tại Syrie mà dẫn đầu là tổ chức tự phong “Quân đội Syrie Tự do” tập hợp những binh sĩ chính phủ đào ngũ đã đẩy mạnh các cuộc tấn công và chiếm lĩnh các khu ngoại ô Thủ đô Damas. Giới truyền thông phương Tây nhận định phe đối lập tại Syrie đang thẳng tiến và chứng tỏ khả năng lèo lái chiến dịch quân sự lật đổ chính quyền của ông al-Assad.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters hôm qua cho biết quân đội chính phủ Syrie đã lần lượt giành lại quyền kiểm soát các khu vực trên bằng chiến dịch quy mô lớn từ sáng 29-1. Tại thành phố vệ tinh nông nghiệp al-Ghouta nằm cách Damas vài chục km về phía Đông, quân đội chính phủ đã huy động 2.000 binh sĩ và lính bắn tỉa cùng ít nhất 50 xe tăng, xe bọc thép đến dẹp loạn. Thế nhưng, điều đáng nói ở chỗ sự mạnh tay của chính quyền Syrie tiếp tục là cái cớ để phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Damas.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)