16/06/2019 - 08:02

Ðiểm cộng cho ngành ngân hàng 

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 31-5-2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74%, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,98% so với cuối năm 2018. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng. Cụ thể: tín dụng lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%; tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%; tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 5,04%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%; tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11% so với đầu năm 2019. Bên cạnh đó, tín dụng các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ (như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông,...), phù hợp với định hướng của NHNN.

Ảnh mình họa (http://tapchitaichinh.vn)

Trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, ngành ngân hàng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn; mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định: lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, đối với trung và dài hạn 9%-11%/năm. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các Ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo vụ lúa đông xuân 2018-2019. Theo đó, đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giải ngân khoảng 10.719 tỉ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn lúa gạo vụ đông xuân, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân. 

Thống đốc NHNN đã ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT (ngày 22-2-2019) nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo. Từ ngày 1-3-2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay, thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng theo quyết định của NHNN. Chính sách cho vay trong nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ) đã tạo những đột phá khi nâng hạn mức cho vay không có tài sản đảm bảo: đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cư trú ngoài khu vực nông thôn nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. NHNN còn khuyến khích NHTM phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn (có nguyên nhân chính đáng), giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

Để đảm bảo an toàn hệ thống, tăng thanh khoản và minh bạch, các TCTD tích cực xử lý nợ xấu. Theo NHNN, tính từ năm 2012 đến tháng 3-2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,33 nghìn tỉ đồng nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3-2019 là 2,02%. Nếu tính kết quả xử lý nợ xấu của toàn hệ thống TCTD sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, thì trung bình từ ngày 15-8-2017 đến tháng 3-2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 5,8 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 4 nghìn tỉ đồng so với trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Năm 2019, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, như vậy mức tăng của 5 tháng đầu năm nay phù hợp với định hướng. Những điểm cộng của ngành ngân hàng trong những tháng đầu năm 2019 được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết