17/02/2024 - 11:08

Ðề án 06 - nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số 

Quyết định số 06/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CÐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Ðề án 06), hướng đến mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Qua 2 năm thực hiện Ðề án, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, từ việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, đến các nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần tạo sự minh bạch trong quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân. Trong ảnh: ông Trần Thanh Mai ở khu vực 6, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, được công chức UBND phường hướng dẫn đăng ký tài khoản sử dụng DVC trực tuyến.

Qua 2 năm triển khai Đề án 06, UBND thành phố và Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã ban hành hơn 80 văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 692 tổ công tác Đề án 06 cấp huyện, cấp xã và ấp, khu vực. Việc triển khai thực hiện Đề án 06, bước đầu tạo nền tảng thúc đẩy CĐS trên các lĩnh vực, mang lại nhiều tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đơn cử như Cổng Dịch vụ công (DVC) thành phố và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được nâng cấp, hợp nhất, thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời triển khai đến tất cả sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã, với 1.833 TTHC. Trong đó, có 817 TTHC được triển khai DVC trực tuyến một phần và 1.016 TTHC được triển khai DVC trực tuyến toàn phần. Hồ sơ giải quyết TTHC được đồng bộ thường xuyên từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố với Cổng DVC quốc gia, phục vụ tốt công tác quản lý, theo dõi tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ.

Năm 2023, thành phố đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế trên Cổng DVC quốc gia. Kết quả, tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng DVC quốc gia đạt 35,51%; tỷ lệ TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 60,62%. Các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 và 28 DVC theo Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 11 DVC thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, 14 DVC thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành.

UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi giải quyết TTHC cho công dân. Đồng thời, đã nhập dữ liệu hộ tịch lịch sử và đăng ký mới được hơn 2,2 triệu trường hợp (trong đó có hơn 1,38 triệu trường hợp đăng ký khai sinh) vào phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Với việc hồ sơ lĩnh vực tư pháp - hộ tịch phát sinh nhiều nhất tại Bộ phận Một cửa cấp xã, việc số hóa hồ sơ này góp phần giúp bà con tiết kiệm thời gian thực hiện TTHC, đồng thời chuyên nghiệp hóa công tác quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước.

TP Cần Thơ cũng đã hoàn thành việc rà soát, cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội vào hệ thống Cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội (đạt 100%); cập nhật dữ liệu người có công, với 5.062 trường hợp. Theo ông Trần Thanh Lam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, từ tháng 6-2023, Sở phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả triển khai, tuyên truyền, vận động đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng mở tài khoản ngân hàng để thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt. Đến nay, đã có 7.535 đối tượng được chi trả qua tài khoản (bao gồm 6.481 đối tượng bảo trợ xã hội, đạt 15,75% và 1.054 người có công với cách mạng, đạt tỷ lệ 20,82%). Trong năm 2024, Sở tiếp tục phối hợp Công an thành phố rà soát, cập nhật tài khoản thanh toán trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ chi trả qua tài khoản cho đối tượng bảo trợ xã hội đạt trên 30%.

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp Sở Y tế thành phố triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc qua ứng dụng VNeID (áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp) trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Sở Y tế cũng đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân tại 106 cơ sở y tế; triển khai liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua Cổng tiếp nhận dữ liệu, hệ thống giám định bảo hiểm y tế, đảm bảo hạ tầng kết nối, chia sẻ thông tin với các sở, ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 vào cuối tháng 1-2024, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ Đề án 06; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện Đề án 06. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của tổ công tác, tổ giúp việc; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ nhân sự, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06. Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện việc chi trả an sinh xã hội cho 100% đối tượng đã có tài khoản ngân hàng; các trường hợp chưa có tài khoản (nhưng đủ điều kiện), ngành cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn tạo tài khoản ngân hàng. Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06 trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

 

Chia sẻ bài viết