25/09/2022 - 07:35

“Dòng chảy” giới chuyên gia gốc Hoa rời khỏi Mỹ 

Ngày càng nhiều nhà khoa học và kỹ sư gốc Hoa từ bỏ vị trí đang đảm trách tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ để đến Trung Quốc hoặc nơi khác. Xu hướng này có một phần nguyên nhân là do căng thẳng chính trị giữa Washington và Bắc Kinh không có dấu hiệu hạ nhiệt.

MIT, nơi phải chứng kiến sự “dứt áo ra đi” của nhiều chuyên gia Trung Quốc. Ảnh: WSJ

MIT, nơi phải chứng kiến sự “dứt áo ra đi” của nhiều chuyên gia Trung Quốc. Ảnh: WSJ

Trong thập niên qua, Bắc Kinh cố gắng “chiêu mộ” các nhà nghiên cứu hàng đầu thông qua các chương trình đãi ngộ nhân tài nhưng đa số đều chọn ở lại Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng chuyên gia Trung Quốc rời khỏi Mỹ tăng mạnh từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát và sau khi Mỹ đưa ra “Sáng kiến Trung Quốc”, chương trình do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump phát động nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia từ Trung Quốc, trong đó nhiều học giả Trung Quốc được đưa vào “tầm ngắm”. Hồi tháng 2, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo dừng sáng kiến này, sau khi ghi nhận một số lời chỉ trích từ người Mỹ gốc Á và từ các trường đại học rằng chương trình không chỉ thúc đẩy tình trạng phân biệt đối xử mà còn có hại cho những nỗ lực thu hút nhân tài và theo đuổi nghiên cứu ở Mỹ. Song, một số nhà khoa học gốc Hoa cho biết họ cảm thấy sự nghi ngờ vẫn đang hướng về họ và lo ngại rằng tình trạng này sẽ tiếp diễn nếu như căng thẳng Mỹ - Trung không hạ nhiệt.

Theo dữ liệu được các nhà nghiên cứu từ Đại học Princeton, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thu thập, hơn 1.400 nhà khoa học Trung Quốc được đào tạo tại Mỹ đã từ bỏ công việc tại các trường đại học hoặc công ty xứ cờ hoa để “đầu quân” cho công ty Trung Quốc trong năm 2021, tăng 22% so với năm 2020. Đáng lo ngại là nhiều nhà khoa học trong số đó nắm giữ các vị trí quan trọng tại Đại học Harvard, MIT và Đại học Chicago, gồm cả Yau Shing-Tung, người từng đạt danh hiệu cao quý nhất ngành toán học - Huy chương Fields. Theo Nhật báo Phố Wall (WSJ), Yau hồi tháng 4 đã rời Đại học Harvard để “đầu quân” về Đại học Thanh Hoa và cũng từng bày tỏ mong muốn giúp Trung Quốc giành được Huy chương Fields đầu tiên.

Một cuộc thăm dò vào mùa hè năm 2021 do các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona thực hiện cho thấy, 4/10 nhà khoa học gốc Hoa gần đây cân nhắc rời khỏi Mỹ vì sợ bị chính phủ nước này giám sát. Còn trong các cuộc phỏng vấn do WSJ thực hiện, gần 20 nhà khoa học gốc Hoa, gồm những người đã rời khỏi Mỹ hoặc đang có kế hoạch rời đi, bày tỏ sự lo lắng về các cuộc trấn áp của chính phủ và tình trạng bạo lực gia tăng đối với những người gốc Á trong đại dịch. Một số người cho biết suy nghĩ của họ cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, như muốn có mức lương cao hơn hoặc muốn ở gần người thân. Đáng chú ý, phần lớn trong số này là công dân Mỹ nhập tịch và đang làm việc tại các trường đại học, số khác là chuyên gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và sinh học - những lĩnh vực chiến lược quan trọng mà Bắc Kinh chọn để tăng cường đầu tư. Họ đều là đối tượng được giám sát kỹ nhất trong khuôn khổ “Sáng kiến ​​Trung Quốc”.

Việc giới chuyên gia gốc Hoa ồ ạt rời khỏi Mỹ diễn ra trong bối cảnh Washington tìm cách bảo vệ lợi thế trong đổi mới khoa học, công nghệ và khi Bắc Kinh nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về công nghệ với nước này. Gần đây, Quốc hội Mỹ đã thông qua Ðạo luật mang tên “Chip và Khoa học” nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, trong đó nền kinh tế lớn nhất thế giới dành ra 80 tỉ USD để cải thiện nghiên cứu về các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI).

Phân tích của tổ chức tư vấn MacroPolo hồi năm 2020 cho thấy các nhà khoa học sinh ra ở Trung Quốc chiếm gần 30% các nhà nghiên cứu AI làm việc cho các tổ chức của Mỹ.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết