29/09/2020 - 07:26

“Đại dịch thông tin sai lệch” mùa COVID-19 

Mạng Internet tràn ngập thông tin sai lệch trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với đại dịch COVID-19, nào là phương pháp điều trị giả, tin giả, tin đồn, thuyết âm mưu, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Người dùng Internet đối mặt với nhiều thông tin sai lệch trong mùa dịch bệnh. Ảnh: WNIP

Người dùng Internet đối mặt với nhiều thông tin sai lệch trong mùa dịch bệnh. Ảnh: WNIP

Ở các vùng sâu, vùng xa của Indonesia hiện đang phát tán tin đồn cho rằng khi mắc COVID-19, các bệnh nhân yêu cầu nhân viên y tế chỉ đến đưa họ đi cách ly điều trị lúc nửa đêm, bởi lo ngại họ hàng và người thân sẽ bị hàng xóm xa lánh. Đây được xem là sự kỳ thị đối với người nhiễm SARS-CoV-2.

Còn theo tờ Straits Times, thành công ban đầu của Hàn Quốc đã bị xóa bỏ khi một cuộc biểu tình nổ ra vào giữa tháng 8, dẫn đến đợt bùng phát dịch thứ 2 ở xứ sở kim chi. Nhiều người không tin rằng các quy tắc giãn cách xã hội do chính phủ đặt ra nhằm kiểm soát dịch bệnh là cần thiết và sẽ bảo vệ họ.

Trong khi đó, ở một số nơi khác, giới chức được giao nhiệm vụ ngăn chặn đại dịch đang đau đầu trước phong trào chống tiêm vaccine cũng như chống đeo khẩu trang. Họ đặt nghi vấn về tính hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 trong khi ủng hộ các thuyết âm mưu. Ngày 19-9 vừa qua, 32 người đã bị bắt tại thủ đô Luân Đôn (Anh) sau các cuộc đụng độ nảy lửa giữa cảnh sát và người biểu tình.

Đáng lo ngại, Ấn Độ mới đây cảnh báo những kẻ khủng bố đang phổ biến thông tin sai lệch để xoáy sâu tình trạng khó khăn về tài chính và tinh thần do lệnh phong tỏa mang lại nhằm thu hút những người dễ bị tổn thương.

Hậu quả của “đại dịch thông tin sai lệch” thật khó lường. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, tin đồn cho rằng “uống rượu có nồng độ cao có thể khử trùng cơ thể và tiêu diệt virus Corona” đã khiến 800 người chết, 5.876 người phải nhập viện và 60 người bị mù trên toàn cầu sau khi uống cồn methanol.

Không những vậy, kể từ khi đại dịch nổ ra, nạn phân biệt chủng tộc chống người châu Á nổi lên trên các đường phố ở Úc, Ấn Độ, Mỹ và Anh. Hơn 1.100 báo cáo cho thấy người Mỹ gốc Á là mục tiêu chính.

Những trường hợp trên cùng với một số trường hợp khác cho thấy thông tin sai lệch về SARS-CoV-2 đang ở mức báo động. Trong tuyên bố chung hồi tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên Hiệp Quốc (LHQ) một lần nữa cảnh báo về “đại dịch thông tin sai lệch”, qua đó kêu gọi các quốc gia thành viên xây dựng và triển khai kế hoạch hành động nhằm chống lại sự lây lan của tin giả. WHO cho biết, nếu không có sự tin cậy và thông tin chính xác, các xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh sẽ vô dụng trong khi chiến dịch tiêm chủng hoặc quảng bá vaccine phòng COVID-19 sẽ không đạt mục tiêu đặt ra, khiến dịch bệnh tiếp tục hoành hành. “Tin đồn, sự kỳ thị và thuyết âm mưu có khả năng làm giảm lòng tin của cộng đồng vào chính phủ. Kiểm soát tin đồn, xua tan thông tin sai lệch và thuyết âm mưu, đồng thời làm giảm nỗi sợ hãi và sự kỳ thị đối với những người và nơi bị ảnh hưởng là điều cần thiết để kiểm soát đại dịch” - WHO nhấn mạnh.

Nhằm chống lại sự lan nhanh của thông tin sai lệch, LHQ hồi tháng 4 đã đưa ra sáng kiến “​​Phản ứng truyền thông chính thức”, trong đó gồm các hướng dẫn dành cho chính phủ và cơ quan y tế quốc tế trong việc chống lại tin giả. Còn mới đây, Nghị viện châu Âu đã thành lập một ủy ban đặc biệt, đảm trách xử lý tin giả và thuyết âm mưu về COVID-19. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết