TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới, đứng thứ hai toàn cầu vào năm 2021 với 7.100 tỉ USD và trở thành thành phần quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh, gồm Bahrain, Kuwait, Iraq, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Bên trong cửa hàng bán thiết bị công nghệ Huawei ở UAE. Ảnh: ITP
Chính sự phát triển về viễn thông, thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo và các doanh nghiệp theo định hướng công nghệ đã trở thành chất xúc tác cho quan hệ ngày càng ấm nồng giữa Bắc Kinh và các quốc gia vùng Vịnh. Theo tờ Asia Times, sáng kiến "Con đường tơ lụa số (DSR)" của Trung Quốc có tiềm năng bổ sung 255 tỉ USD vào GDP khu vực, đồng thời tạo ra 600.000 việc làm liên quan đến công nghệ ở các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh vào năm 2030.
Trong đó, những "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc giữ vai trò rất quan trọng trong việc đưa DSR tới khu vực và tiếp tục duy trì sự phát triển của sáng kiến này. Ðơn cử, Huawei đang bắt tay với Saudi Arabia để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm theo dõi các cuộc hành hương tôn giáo, trong khi hợp tác với UAE để nâng cấp sân bay quốc tế Dubai và đảm trách việc xây dựng hệ thống cáp quang và giám sát video cho Cơ quan Ðiện và Nước Dubai. Ngoài ra, Huawei hồi tháng 7-2022 còn được phép cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Kuwait.
Về phần mình, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã cam kết xây dựng một "thị trấn công nghệ" gồm hơn 3.000 công ty công nghệ cao với Meraas Holding, nhà phát triển đặt tại Dubai. Mặt khác, Alibaba cũng đã ký kết các thỏa thuận lưu trữ dữ liệu đám mây ở Oman và tạo nên sức ảnh hưởng thương mại rộng lớn ở Saudi Arabia. Ðặc biệt, công ty M/s Aramco Asia của Saudi Arabia đang đàm phán để ký Biên bản ghi nhớ với công ty Trung Quốc Avic International về phát triển công nghệ và dịch vụ máy bay không người lái.
Ðến nay, các đại gia công nghệ Trung Quốc đã tham gia đáng kể vào việc phát triển mạng 5G ở vùng Vịnh. Theo đó, UAE và Kuwait là những quốc gia vùng Vịnh đầu tiên xây dựng mạng 5G. Ðến năm 2019, mạng 5G của UAE đã phủ sóng 80% các thành phố của nước này và Huawei đã triển khai hơn 1.000 trạm phát sóng 5G trên khắp Kuwait.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực đã khiến Mỹ gây áp lực, buộc các quốc gia vùng Vịnh phải chọn đứng về phía nào, bởi Washington nhận thấy rằng một số khía cạnh trong hợp tác kỹ thuật số giữa các quốc gia trong khu vực với Bắc Kinh gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ. Các quốc gia vùng Vịnh cũng ý thức về sự quan ngại của Mỹ đối với sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực, nhưng họ muốn tránh bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột quyền lực giữa các nước lớn. Quả thật, các quốc gia vùng Vịnh đang cố gắng đa dạng hóa hỗ trợ kinh tế và quân sự nhằm tránh phụ thuộc tuyệt đối vào Washington hay Bắc Kinh, bởi chọn đứng về phía nào đều có nguy cơ khiến các quốc gia trong khu vực mất đi quan hệ đối tác an ninh với Mỹ hoặc quan hệ đối tác công nghệ với Trung Quốc.
DSR là nhánh công nghệ của sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc, được ra mắt vào năm 2015 với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao. Dưới sự dẫn dắt của những “ông lớn” công nghệ như Huawei và ZTE, các công ty Trung Quốc đang dẫn đầu việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trên thế giới, gồm mạng viễn thông 5G, cáp ngầm, hệ thống vệ tinh, điện toán đám mây và đặc biệt là thành phố thông minh. Ðến nay, Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận về hợp tác DSR hoặc cung cấp đầu tư liên quan đến DSR cho ít nhất 16 quốc gia nhưng theo tờ The Diplomat, số lượng các thỏa thuận và đầu tư thực sự có thể lớn hơn nhiều. Một số thống kê cho thấy, 1/3 các quốc gia tham gia BRI đang hợp tác trong các dự án DSR.