12/09/2023 - 07:02

“Con đường Gia vị” đầy tham vọng 

TRÍ VĂN (Tổng hợp) 

Mới đây, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Độ, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một số quốc gia khác đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo ra “Con đường Gia vị” hiện đại, kết nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu (IMEC) thông qua các tuyến đường sắt, đường thủy, cáp dữ liệu tốc độ cao và cả đường ống năng lượng.

IMEC sẽ bao gồm 2 hành lang vận tải riêng biệt là hành lang phía Đông kết nối Ấn Độ với Vịnh Persic và hành lang phía Bắc kết nối Vịnh Persic với châu Âu. Thỏa thuận này cũng nhằm kết nối các quốc gia Trung Đông, gồm UAE, Saudi Arabia, Jordan và Israel, bằng đường sắt và kết nối khu vực Trung Đông với Ấn Độ bằng cảng biển, từ đó hỗ trợ việc vận chuyển năng lượng, trao đổi thương mại từ Vịnh Persic tới châu Âu. Bên cạnh xây dựng tuyến đường sắt và cảng biển, thỏa thuận còn bao gồm kế hoạch xây dựng cáp năng lượng, cáp viễn thông, truyền dữ liệu, đường ống vận chuyển năng lượng tái tạo để phục vụ cho mục đích sản xuất điện.

Lãnh đạo các nước trong buổi công bố IMEC. Ảnh: AFP

Lãnh đạo các nước trong buổi công bố IMEC. Ảnh: AFP

Yếu tố làm thay đổi cuộc chơi

Giới phân tích cho rằng kế hoạch đầy tham vọng trên sẽ giúp thị trường rộng lớn 1,4 tỉ dân của Ấn Độ hội nhập với các quốc gia phía Tây; tạo đối trọng đối với sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng “Vành đai, Con đường (BRI)” vốn giúp lan rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh; thúc đẩy nền kinh tế Trung Đông và giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh Arab. “Nếu được hoàn thiện thì IMEC sẽ là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, giúp tăng cường kết nối Ấn Độ với Trung Đông và nhằm chống lại BRI” - Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á thuộc Trung tâm Wilson, viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).

Phát biểu tại lễ công bố thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá đây là “thỏa thuận lớn…mang tính lịch sử” nhằm kết nối các cảng tại châu Âu và Nam Á, đồng thời góp phần xây dựng khu vực Trung Đông ổn định, thịnh vượng và hội nhập hơn. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng thỏa thuận sẽ mở ra những “cơ hội không giới hạn” trong phát triển nguồn điện, năng lượng sạch và đặt các tuyến cáp dữ liệu để kết nối cộng đồng.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi IMEC là dự án mang tính lịch sử, giúp tăng tốc trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và châu Âu tới 40%. Theo bà von der Leyen, dự án sẽ là “cây cầu xanh và kỹ thuật số xuyên qua các châu lục và nền văn minh”.

Pramit Pal Chaudhuri, giám đốc phụ trách khu vực Nam Á thuộc Tập đoàn Eurasia, cho biết nếu ngày nay, việc vận chuyển một container hàng từ thành phố Mumbai (Ấn Độ) tới châu Âu phải qua Kênh đào Suez, thì trong tương lai có thể vận chuyển bằng đường sắt từ Dubai (UAE) đến thành phố Haifa (Israel) và tới châu Âu, giúp tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc. Hiện kênh đào Suez là “nút thắt cổ chai” lớn đối với thương mại thế giới, giúp trung chuyển khoảng 10% khối lượng hàng hóa vận tải hàng hải toàn cầu nhưng lại thường xuyên bị gián đoạn.

Cơ hội hòa giải chính trị

Trao đổi với truyền thông tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer nêu ra 3 lợi ích chính của dự án. Một là, IMEC sẽ thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia tham gia dự án thông qua việc hỗ trợ vận chuyển năng lượng, truyền thông kỹ thuật số. Hai là, dự án sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho quá trình phát triển của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tham gia thỏa thuận. Và ba là, dự án sẽ giúp xoa dịu tình hình căng thẳng tại Trung Đông cũng như giúp khu vực này đóng vai trò quan trọng hơn trong hoạt động trao đổi thương mại toàn cầu.

Không những vậy, IMEC hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông. Hiện chính quyền Tổng thống Biden đang tích cực thúc giục Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và đối tác an ninh của Mỹ, bình thường hóa quan hệ với Israel sau nhiều thập niên xung đột và đóng cửa biên giới. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho hay Washington đã tiếp cận Jerusalem vài tháng trước khi kế hoạch xây dựng IMEC được công bố. Nhà lãnh đạo Israel cho rằng dự án sẽ tái định hình bộ mặt của Trung Đông và Israel sẽ giữ vai trò trung tâm trong sáng kiến kinh tế này. “Israel sẽ đóng góp tất cả khả năng, kinh nghiệm và cam kết đầy đủ để biến dự án hợp tác này trở thành dự án hợp tác lớn nhất trong lịch sử” - Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh.

Chia sẻ bài viết