Khi tàu vừa vào đến sân ga cũ kỹ tại thị trấn Bhatinda, hàng chục bệnh nhân ung thư nóng lòng tranh nhau tìm chỗ ngồi đã định trước. Họ tận dụng cả khoảng trống trên sàn nhà và thậm chí là các góc tàu. Cuộn mình trong những lớp chăn bông dày để chống lại cái lạnh mùa đông, những hành khách đặc biệt chuẩn bị cho chuyến hành trình xuyên đêm tới các bệnh viện công gần nhất. Nhiều người gọi đây là "chuyến tàu ung thư" của Ấn Độ.
Trong những năm gần đây, "chuyến tàu ung thư" đã trở thành một chủ đề "nóng hổi" đối với các nhà tổ chức chiến dịch chống ung thư, cũng như các nhóm đấu tranh vì luật hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu ở Ấn Độ. Nó được mô tả trên các tấm áp phích và trong những đoạn phim quảng cáo và được giới thiệu công khai tại các hội nghị quốc tế.
|
Hành khách ung thư chen chúc nhau trên chuyến tàu đi đến các bệnh viện công. Ảnh: Washington Post |
Hầu hết bệnh nhân trên chuyến tàu ung thư này đều trong tình cảnh nghèo khổ và Chính phủ đã phải trợ cấp cho họ 50% khấu trừ trên phần tiền vé tàu của họ, cộng thêm một khoản tương tự dành cho việc tham gia chuyến tàu. Nhưng lẽ dĩ nhiên là họ không hề thích tên gọi "chuyến tàu ung thư" này chút nào.
"Đó là một tên gọi tồi tệ mà chúng tôi thậm chí e sợ khi thốt lên"- Vijay Kumar, một thợ sửa đồng hồ 48 tuổi - người đang đi cùng cô con gái mắc ung thư. "Tôi đã giấu tên gọi không hay này đối với những người thân. Thật sự không công bằng khi chuyến tàu này được gọi tên như là một dấu hiệu của bệnh tật"- Kumar buồn bã nói.
Những hành khách trên đến từ các nông trại màu mỡ ở bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ. Đây cũng là khu vực được ghi nhận là có mức độ sử dụng thuốc trừ sâu cao đáng báo động tại nước này. Tháng trước, chính quyền bang Punjab đã mở một cuộc điều tra dân số từng hộ gia đình lần đầu tiên trên phạm vi cả bang, nhằm xác định số lượng chính xác người mắc ung thư hoặc có những triệu chứng giống ung thư. Đối với Chính phủ Ấn Độ, số lượng bệnh nhân ung thư đang ngày một gia tăng trên chuyến tàu đêm trong 5 năm trở lại đây chính là lời cảnh tỉnh chân thực nhất.
Có thể nói, "cuộc cách mạng xanh" hồi những năm 1960 ở Ấn Độ đã giúp nước này tiếp cận các phương pháp trồng trọt hiện đại (như sử dụng nhiều loại giống sản lượng cao, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu), giúp Ấn Độ chống lại nạn đói và gia tăng năng suất tại thời điểm đó. Tuy nhiên, qua nhiều năm áp dụng, chính mô hình này trở nên không bền vững đối với cả môi trường và về mặt y tế, theo nhiều nhà hoạt động chống sử dụng thuốc trừ sâu. Một nghiên cứu vào năm 2008 từng cảnh báo mối liên hệ giữa sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ mắc ung thư cao trong cộng đồng dân cư nông nghiệp ở khu vực bang Punjab.
Bệnh viện công, nơi tiếp nhận các bệnh nhân - ở thành phố Bikaner, thuộc bang láng giềng Rajasthan báo cáo con số trung bình hơn 1.000 lượt bệnh nhân ung thư đến thăm khám mỗi năm, theo Trưởng nhóm bác sĩ chuyên khoa ung thư Ajay Sharma. Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ thừa nhận rằng bức tranh thực sự về số bệnh nhân ung thư tại khu vực Punjab vẫn chưa vẽ hết.
Mặc dù gần như tất cả mọi người trên chuyến tàu ấy đều biết rất rõ rằng thuốc trừ sâu là nguyên nhân chính gây ra ung thư, nhưng họ cho biết không thể ngừng việc sử dụng các loại hóa chất. "Tôi thường phun thuốc trừ sâu 10 lần trong 3 tháng ở mỗi vụ bông vải, phun hàng tuần đối với các vụ rau củ và vài đôi lần đối với lúa mì"- lão nông 63 tuổi Baldev Singh nói. "Tôi cũng đã được nghe kể về mối liên hệ giữa thuốc trừ sâu và bệnh ung thư. Nhưng thứ này lại giúp gia tăng nông sản"- ông Singh giải thích lý do không thể từ bỏ thói quen dùng thuốc trừ sâu khi trồng trọt.
A. P. S Chawla, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Roko Cancer và là người điều hành các phòng chẩn đoán di động tại nhiều làng quê Ấn Độ, cho biết: "Đối với người dân ở đây, ung thư không đồng nghĩa với cái chết. Họ ít chịu đi chẩn đoán hoặc nói về căn bệnh này. Đó là lý do chúng tôi phải giới thiệu các bài xét nghiệm ung thư ngay tại thềm nhà họ". Chawla thổ lộ mục tiêu của ông và các đồng nghiệp là phối hợp cùng với Chính phủ Ấn Độ xây dựng thêm nhiều bệnh viện ung thư trên khắp đất nước và ngừng những chuyến xe lửa ấy để các bệnh nhân không phải trải qua hành trình xa xôi và chật vật như thế. "Chúng tôi nhận ra những đau đớn và khổ sở trên gương mặt các bệnh nhân. Nhiều người đã bỏ cuộc giữa chừng" - Chawla nói.
Nhưng cũng có những câu chuyện mang lại niềm hy vọng. "Tôi cố xua nỗi lo sợ của người khác và kể cho họ nghe sự tiến triển trong quá trình điều trị bệnh của tôi" - một phụ nữ tên là Kashmir Kaur, 55 tuổi, nói, rồi tháo chiếc khăn quấn khỏi đầu để lộ phần tóc mới mọc mà bà nói là "bằng chứng". Nhiều hành khách trên chuyến tàu ung thư đã bật cười khi thấy mái đầu lúng phúng tóc ấy. "Đây là cuộc sống. Chúng ta phải tiến về phía trước như chính chuyến xe này"-Kaur cười và nói.
LÊ THÁI (Theo Washington Post)