Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Syria trấn áp những phần tử cực đoan và trục xuất các chiến binh Palestine ra khỏi đất nước để đổi lấy việc nới lỏng một phần lệnh trừng phạt.

Ðoàn xe quân sự Mỹ ở Ðông Bắc Syria. Ảnh: U.S. Army
Những điều kiện mới
Hồi tháng rồi, phía Mỹ đã trao cho tân Ngoại trưởng Syria danh sách 8 bước “xây dựng lòng tin”. Danh sách bao gồm việc cho phép Mỹ tiến hành các hoạt động chống khủng bố trên đất Syria đối với bất kỳ ai mà Washington coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Chính quyền mới do người Hồi giáo lãnh đạo ở Syria cũng phải cấm các nhóm chiến binh Palestine hoạt động trong nước và trục xuất thành viên của các nhóm này ra khỏi đất nước.
Tuy nhiên, các nhóm Palestine đã có trụ sở trong nhiều thập niên tại Syria, quốc gia có lượng lớn người tị nạn Palestine kể từ năm 1948. Bất kỳ động thái trục xuất nào cũng có thể gây ra xung đột giữa các nhóm này và Chính phủ Syria.
Nếu Damascus đáp ứng các yêu sách trên, Mỹ sẽ công khai cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria, xem xét nối lại quan hệ ngoại giao và xóa tên thành viên nội các mới khỏi danh sách khủng bố. Mỹ cũng sẽ cân nhắc gia hạn các lệnh miễn trừ trừng phạt được ban hành dưới thời chính quyền tiền nhiệm Joe Biden nhằm tăng tốc dòng chảy viện trợ nhân đạo cho Syria.
Nhà Trắng gần đây đã ban hành hướng dẫn chính sách, trong đó kêu gọi Syria thực hiện các bước liên quan đến việc bảo vệ kho vũ khí hóa học của nước này và đưa ra tuyên bố công khai chống lại các nhóm thánh chiến. “Mỹ hiện không công nhận bất kỳ thực thể nào là Chính phủ Syria. Chính quyền lâm thời của Syria nên từ bỏ hoàn toàn và trấn áp chủ nghĩa khủng bố”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Mỹ đã gắn mác tân Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa là một đối tượng khủng bố. Sự chỉ định đó đã có từ lâu liên quan đến việc ông từng tham gia cuộc nổi dậy chống lực lượng Mỹ ở Iraq và thành lập một nhánh của al-Qaeda tại Syria trước khi cắt đứt quan hệ với tổ chức khủng bố quốc tế này.
Cuối năm ngoái, chính quyền ông Biden đã hủy bỏ khoản tiền thưởng trị giá 10 triệu USD cho thông tin giúp bắt giữ ông Sharaa. Nhưng chính quyền ông Trump không muốn tiến xa hơn nếu nhà lãnh đạo Syria và các lực lượng dưới trướng ông không tiến hành thêm các bước đi. Nếu không được dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đất nước vừa kết thúc 13 năm nội chiến này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tái thiết.
Giảm quân số tại Syria
Mỹ đã bắt đầu rút hàng trăm binh sĩ khỏi vùng Ðông Bắc Syria. Ðộng thái này phản ánh sự thay đổi trong môi trường an ninh tại Syria kể từ khi chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ cuối năm ngoái, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Lầu Năm Góc đang đóng cửa 3 trong số 8 căn cứ nhỏ ở Ðông Bắc, giảm quân số từ 2.000 xuống còn khoảng 1.400. Sau 60 ngày, các chỉ huy Mỹ sẽ đánh giá xem có nên cắt giảm thêm hay không. Trong khi các chỉ huy đề nghị giữ lại ít nhất 500 lính, Tổng thống Trump đã hoài nghi sâu sắc về việc duy trì bất kỳ binh sĩ nào tại quốc gia Trung Ðông. Các lực lượng Mỹ đóng ở Syria với nhiệm vụ ngăn chặn nước này trở thành nơi trú ngụ của các nhóm cực đoan như tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).
IS vẫn là mối nguy hiểm tiềm tàng ở Syria, đặc biệt là tại vùng Ðông Bắc, nơi cũng có khoảng 10.000 chiến binh IS và 39.000 thân nhân của họ đang bị giam giữ. Các quan chức tình báo Mỹ kết luận rằng IS sẽ tìm cách lợi dụng sự kết thúc của chính quyền Assad để giải thoát tù nhân và khôi phục khả năng thực hiện các cuộc tấn công.
Nhóm này đã nhận trách nhiệm thực hiện 294 vụ tấn công ở Syria vào năm 2024, tăng so với 121 vụ của năm trước đó. Ngay sau khi ông Assad bị lật đổ, Mỹ cũng đã tăng cường các cuộc không kích vào các cứ điểm của IS ở Syria, dập tắt hoạt động phiến quân đang trỗi dậy.
Nhưng gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại khi số vụ tấn công của IS tăng liên tiếp trong nhiều tháng. Trong quý I năm nay, IS đã gây ra 30 cuộc tấn công ở Syria. Chỉ trong 2 tuần qua, nhóm đã đứng sau ít nhất 14 vụ. “Không có thế lực nào quyết tâm giao rắc sự bất ổn ở Syria hậu Assad hơn IS”, Charles Lister, thành viên cấp cao tại Viện Trung Ðông (trụ sở ở Washington), cảnh báo, đồng thời kêu gọi Mỹ ủng hộ chính quyền Syria.
Mỹ cũng hy vọng Syria sẽ trở thành đối tác chống IS. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump dự kiến sẽ tiến hành đánh giá sâu rộng chính sách về Syria và có thể cắt giảm hơn một nửa hoặc rút toàn bộ lực lượng Mỹ. Ðiều này đe dọa đến sự ổn định của quá trình chuyển tiếp ở Syria.l
HẠNH NGUYÊN
(Theo NY Times, Washington Post)