14/08/2022 - 11:48

“Bảy bảy bốn chín”- Suy ngẫm về hôn nhân 

CÁT ÐẰNG

Truyện dài “Bảy bảy bốn chín” (NXB Trẻ) của tác giả Hoàng Công Danh là một trong 7 tác phẩm đoạt giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần 7 (2019-2022). Câu chuyện mang đến một góc nhìn của người chồng về cuộc sống hôn nhân sau 49 ngày mất của vợ. Từ đó, hé lộ nhiều bất ngờ...

Một người chồng đang ngồi quán cà phê thì nhận được cuộc gọi thông báo vợ mình bị tai nạn giao thông và đã qua đời. Sau lễ tang của vợ, anh thực hiện các nghi thức cần có trong 49 ngày cúng. Bảy tuần lễ thất, cũng là bảy tuần để người chồng nhìn lại cuộc hôn nhân với người vợ đã mất. Bảy tuần cho bảy năm họ chung sống bên nhau, từng trang ký ức được lật lại xen kẽ với cuộc sống hiện tại tạo nên một bức tranh buồn, đầy day dứt.

Qua giọng kể của người chồng, các nhân vật không có tên, chỉ có danh xưng “tôi” và “nàng”. Chuyện tình cảm vợ chồng của họ không lãng mạn ngọt ngào hay có những ấn tượng khó quên. Họ cưới vì bác sĩ bảo cưới nên đời sống hôn nhân không như ý. Những mâu thuẫn từ nhỏ đến lớn, những ngõ ngách khó dò của lòng người, những khoảng cách khó hòa hợp đã tạo nên những biến cố trong 7 năm hôn nhân. Ðể khi nhìn lại hay nghĩ đến, người chồng vẫn còn bàng hoàng, day dứt và tự hỏi có phải những điều ấy tác động đến tâm lý của vợ, khiến cô ấy sai lầm trong lúc lái xe và trả giá bằng tính mạng của mình? Ngay cả những biểu hiện bất thường của vợ trong việc tự nhốt mình trong phòng tu luyện theo một đạo giáo nào đó, lánh xa chồng con, gia đình... mà người chồng cũng không đưa ra được lời giải tại sao cô ấy làm như vậy, cho thấy giữa 2 vợ chồng không có sự kết nối, sẻ chia hay thấu hiểu nhau. Rồi những lần cãi vã, mâu thuẫn dẫn đến việc người vợ làm nhiều chuyện điên rồ khác lại càng cho thấy tâm lý của cô ấy có vấn đề trầm trọng. Vợ như vậy nhưng chồng lại hời hợt, vô tâm và chỉ đến khi không chịu nổi thì anh lại đâm đơn ly dị.

Câu chuyện khiến người đọc khó chịu, bức xúc bởi cả hai đã không vì nhau mà thay đổi hay cố gắng vun vén hạnh phúc gia đình. Ðể rồi, tất cả đã muộn màng khi tai nạn xảy ra. Chỉ khi mất nhau vĩnh viễn, người chồng mới hối tiếc vì những gì đã qua. Những đoạn văn miêu tả nội tâm của người chồng, khắc họa sự cô đơn, trống vắng cùng nỗi nhớ khắc khoải hình bóng người vợ đã đồng hành suốt 7 năm cuộc đời khiến người đọc chạnh lòng, thương cảm. Căn nhà nhỏ bình thường chật hẹp giờ đây như rộng ra vì thiếu mất một người. Sự lủi thủi đi về của 2 cha con mỗi ngày lại càng làm vết đau như khắc sâu hơn…

Cái chết của người vợ và cái chết của cuộc hôn nhân của họ có gì khác biệt? Có lẽ câu trả lời sẽ có ở mỗi người khi đọc “Bảy bảy bốn chín”, một câu chuyện vừa lạ, vừa quen và cũng đầy ám ảnh!

Chia sẻ bài viết