Từ đầu năm 2018 đến nay, các thầy thuốc tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã khám ngoại trú cho hơn 300 trường hợp và điều trị nội trú cho 12 bệnh nhi bị thủy đậu. Trong khi đó, tháng 12 năm ngoái, ngoại trú chỉ có 125 ca, nội trú 1 ca. Theo các bác sĩ, mùa Xuân (thời điểm đầu năm) là mùa của... thủy đậu.
Dễ lây lan
Bác sĩ Nguyễn Phước Trung, Khoa nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, khoảng 2 tuần nay, ngày nào khoa cũng tiếp nhận 1- 2 trường hợp trẻ bị thủy đậu nhập viện. Đây là thời điểm bệnh thủy đậu thường tăng do thời tiết mùa xuân thích hợp cho virus gây bệnh. Thêm vào đó, đây là mùa lễ hội, đám đông cũng góp phần lây lan bệnh từ người “ủ bệnh” sang người lành.
Bác sĩ Nguyễn Phước Trung khám cho trẻ bị thủy đậu. Ảnh: H.HOA
Mẹ cháu Nguyễn Nhật Tiến, ở khu dân cư 586, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết: “Trong phòng có 4 giường bệnh thì đều kín vì trẻ bị thủy đậu. Tiến nhập viện 5 ngày, đã hết sốt, chuẩn bị xuất viện”. Ban đầu ở nhà, Tiến bị sốt nhẹ, đau họng. Sau đó 1 ngày thì nổi trên bụng 1- 2 mụn nước (nốt phỏng nhỏ). Đi khám, bác sĩ nói trước đó cháu đã nổi trong miệng. Khám bác sĩ tư không bớt, cháu sốt cao, nổi mụn (nốt phỏng) toàn thân, gia đình sợ quá nên đưa vô Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Theo lời Tiến, trước đó, trong lớp học cũng có bạn bị thủy đậu.
Theo các bác sĩ, virus gây bệnh thủy đậu có thể tồn tại vài ngày trong không khí. Thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra với những đối tượng có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện như trẻ nhỏ, người già và phụ nữ đang mang thai. Trong đó, 80% - 90% bệnh nhân bị thủy đậu dưới 13 tuổi. Bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp (do hít phải chất dịch chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện…), dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Phần lớn trẻ bị thủy đậu có thể điều trị tại nhà. Khi trẻ bị sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật, đau bụng, cáu gắt, lừ đừ, không tỉnh táo, nhức đầu, thở nhanh, ho, nốt phỏng viêm mủ lan rộng… gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi.
Không được chủ quan
Bệnh thủy đậu tuy lành tính nhưng nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng, sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng da tại chỗ, viêm phổi, viêm não, viêm màng não… Trong đó, biến chứng viêm não, viêm màng não có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Từ đầu tháng Giêng đến nay, tại Khoa Nhiễm- Thần kinh, chỉ ghi nhận các trường hợp trẻ bệnh thủy đậu bị biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng da.
Theo bác sĩ Nguyễn Phước Trung, bệnh thủy đậu có biến chứng là do chủ quan của gia đình như không kịp thời phát hiện bệnh, các dấu hiệu bệnh chuyển nặng. Thậm chí, đến nay, vẫn còn nhiều gia đình điều trị theo phương pháp dân gian: đắp lá, khoán, vẽ bùa, tắm gốc rạ… làm nhiễm trùng vết phỏng nước, khiến cho tổn thương nặng hơn.
Có người cho rằng bị thủy đậu cần kiêng gió, kiêng nước nhưng không hoàn toàn đúng. Bác sĩ Nguyễn Phước Trung phân tích, khi trẻ bị thủy đậu, hạn chế ra gió là đúng vì gió phát tán các virus gây bệnh ra người xung quanh và cộng đồng, làm lây lan bệnh. Tuy nhiên, khi trẻ ở trong nhà, cần được tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ rộng, thoáng mát để chất nhờn, bã mồ hôi không xâm nhập vào phỏng nước, gây nhiễm trùng.
Nhiều bậc phụ huynh lo ngại khi nốt phỏng lành để lại sẹo. Theo các bác sĩ, thủy đậu có nguy cơ cao để lại sẹọ. Để hạn chế sẹo, gia đình cần phát hiện sớm dấu hiệu bệnh khi trẻ có 1- 2 nốt phỏng. Việc điều trị sớm, làm hạn chế số phỏng nước mọc lên, nốt phỏng nông, giảm nguy cơ bị sẹo. Việc kiêng nước làm cho vết phỏng nhiễm trùng, nguy cơ trẻ bị sẹo càng cao. Khác với bệnh tay chân miệng, trẻ bị nổi càng nhiều vết phỏng thì khả năng bị nặng càng cao.
Khi trẻ bị thủy đậu, tốt nhất là cho trẻ nghỉ học từ 7-10 ngày, tránh xa nơi công cộng, uống nhiều nước, ăn thức ăn có dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bệnh lây lan mạnh ở thời kỳ ủ bệnh, khi chưa có dấu hiệu bệnh. Vì thế, để phòng bệnh thủy đậu, các bác sĩ khuyên người dân nên tiêm phòng để phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng bệnh lây lan.
Theo bác sĩ Đỗ Thụy Bằng, Phụ trách Phòng tiêm ngừa dịch vụ, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm phòng thủy đậu. Hai tháng sau, có thể tiêm nhắc. Nếu tiêm 1 mũi thì 15% không được bảo vệ chắc chắn (có thể bị bệnh), nếu tiêm đủ 2 mũi thì 98% trường hợp tiêm được bảo vệ. Sau khi tiêm 6 tuần, vắc- xin mới phát huy tác dụng. Giá tiêm phòng từ 600.000 đồng đến 700.000 đồng /mũi tiêm (tùy loại vắc -xin).
H.HOA