01/08/2023 - 19:52

Ý tìm cách rút khỏi “Vành đai, Con đường” 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto (ảnh) trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây nói rằng nước này đang cân nhắc cách để rút khỏi sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc mà không làm tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo quốc phòng quốc gia hình chiếc ủng cho rằng việc Ý tham gia BRI cách đây 4 năm là quyết định “hấp tấp và sai lầm”, bởi nó chỉ giúp xuất khẩu của Trung Quốc sang Ý tăng vọt nhưng lại không có tác động tương tự đối với xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc. Theo ông Crosetto, vấn đề của Ý hiện nay là làm cách nào để có thể đưa nước này ra khỏi BRI nhưng không làm tổn hại đến quan hệ với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh nhưng đồng thời cũng là đối tác của Rome. Ông này cũng bày tỏ lo ngại về “thái độ ngày càng quyết đoán” cũng như tham vọng về sự hiện diện quân sự lớn nhất thế giới của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Phi. “Họ không những không che giấu mục tiêu của mình mà còn làm cho chúng trở nên rõ ràng hơn” - ông Crosetto nhấn mạnh.

Trước đó, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27-7 tại Nhà Trắng, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho hay Rome đang cân nhắc về vấn đề trên và sẽ đưa ra quyết định trước tháng 12. 

Tương tự như giới chức Ý, Tổng thống Biden cũng như các nhà lãnh đạo phương Tây khác ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng ảnh hưởng thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và thương mại. Bản thân ông Biden hồi đầu năm nay đã đề xuất rằng phương Tây cần phát triển phiên bản BRI của riêng mình. “Về cơ bản, tôi đề nghị chúng ta nên có một sáng kiến tương tự để có thể giúp đỡ những cộng đồng trên khắp thế giới đang thực sự cần sự trợ giúp” - ông Biden nói.

Được biết, Ý hồi năm 2019 trở thành quốc gia phương Tây duy nhất tham gia BRI. Ðối với Trung Quốc, quyết định của Ý là một thắng lợi về mặt ngoại giao trong nỗ lực sử dụng BRI để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Còn đối với Ý thì đây được coi là cơ hội để hồi sinh kinh tế nhưng Rome cho đến nay dường như hưởng lợi rất ít. Theo dữ liệu do Trung tâm Phát triển và Tài chính Xanh thuộc Ðại học Phúc Ðán cung cấp, các khoản đầu tư liên quan đến BRI ở Ý đã giảm từ mức 2,51 tỉ USD năm 2019 xuống còn chỉ 810 triệu USD năm 2020. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Ý giảm từ con số 650 triệu USD năm 2019 xuống còn 20 triệu USD năm 2020, quá nhỏ so với số FDI của Trung Quốc đổ vào Ðức và Pháp vào thời điểm đó, lần lượt ở mức 1,9 tỉ USD và 1,8 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc tăng từ 13 tỉ euro năm 2019 lên 16,4 tỉ euro năm 2022. Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc sang Ý trong cùng giai đoạn tăng từ 31,7 tỉ euro lên 57,5 tỉ euro. 

Enrico Fardella, giám đốc ChinaMed và là giáo sư tại Ðại học Naples L’Orientale, cho biết Ý không nhận thấy bất kỳ lợi ích kinh tế nào sau khi ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Trung Quốc. “Ý không thu được lợi ích kinh tế nào trong khi các nước Liên minh châu Âu (EU) khác từ chối ký MOU với Trung Quốc thì lại thu được nhiều lợi ích kinh tế hơn” - ông Fardella nói. Philippe Le Corre, thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á và là chuyên gia về quan hệ EU - Trung Quốc, cho biết việc nhiều dự án thuộc BRI chỉ nằm trên giấy kể từ khi MOU giữa Trung Quốc và Ý được ký kết là một trong số lý do khiến Rome muốn rút khỏi sáng kiến này. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào năm 2024 và sẽ tự động gia hạn trừ khi một trong hai quốc gia thông báo trước cho bên kia về dự định rút lui.

BRI được Trung Quốc triển khai nhằm tái thiết Con đường Tơ lụa cũ để kết nối quốc gia tỉ dân này với châu Á, châu Âu và các khu vực xa hơn nữa bằng những khoản đầu tư lớn dành cho cơ sở hạ tầng. Song, giới phê bình cho rằng BRI là công cụ giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế. Theo số liệu thống kê được công bố hồi tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã chi 240 tỉ USD “cứu trợ” các quốc gia đang gặp khó khăn trong khuôn khổ BRI giai đoạn từ 2008-2021.
Chia sẻ bài viết