Indonesia kêu gọi hỗ trợ cấp bách từ cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hệ thống y tế nước này đang đứng trước bờ vực sụp đổ với các ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến.
Bệnh viện quá tải bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia. Ảnh: Getty Images
Theo trang tin Guardian, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đang chiến đấu với một trong những đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất ở châu Á khi các trường hợp dương tính trong nước tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr kéo dài. Hôm 7-7, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 trong một ngày cao chưa từng có với 34.379 ca nhiễm và 1.040 trường hợp tử vong. Bộ trưởng Ðiều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Pandjaitan cho biết chính quyền Jakarta đã chuẩn bị các cơ sở y tế dự phòng và tìm cách nhập khẩu oxy lỏng từ Singapore trước kịch bản xấu nhất là số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tăng lên tới 70.000 ca/ngày.
Ðến nay, hầu hết bệnh viện trên khắp Indonesia đang hoạt động vượt quá công suất. Từ cuối tháng 6, Hãng AFP cho biết số bệnh nhân điều trị đã chiếm hơn 75% số giường bệnh tại thủ đô Jakarta và ở những vùng bị tác động mạnh trên khắp đảo Java. Nhiều bệnh viện ở thủ đô phải dựng lều dã chiến để đón bệnh nhân. Nếu may mắn được nhập viện, người bệnh cũng không đảm bảo được cung cấp đủ oxy trong quá trình điều trị khi nguồn phân bổ oxy của các bệnh viện gần như cạn qua đêm trước khi được giao vào sáng hôm sau. Tình trạng này cộng thêm nhiều nhân viên bị nhiễm COVID-19 đã buộc một số cơ sở y tế trên đảo Java đóng cửa tạm thời các phòng cấp cứu.
Còn ở huyện Pamekasan trên đảo Madura, bệnh viện lớn nhất Dr Slamet Martodirdjo đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân COVID-19. Khu vực trước sân bệnh viện đã được cải tạo thành phòng cấp cứu còn bên trong sử dụng làm nơi cách ly bệnh nhân. Nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân buộc phải trở về nhà sau khi nhìn thấy bệnh viện chật kín hoặc chờ đợi quá lâu trong lều nhưng không được nhập viện.
Hiện tại, cơ sở này vẫn duy trì nguồn oxy ổn định do có thể tự sản xuất tại chỗ nhưng vẫn cần thêm các bình đựng oxy để hỗ trợ bệnh nhân ở trong lều. Syaiful Anwar, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm COVID-19 tại Dr Slamet Martodirdjo, cho biết bệnh viện cũng đang đối mặt tình trạng thiếu nhân sự khi 10 bác sĩ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong tuần này. Các phòng cấp cứu thường do 3 bác sĩ đảm nhận nhưng nay chỉ còn một người. Quan trọng hơn, những loại thuốc điều trị các ca bệnh nguy kịch như Remdesivir cùng nhiều loại kháng virus khác đã cạn kiệt và bệnh nhân ở đây không được dùng thuốc trong 10 ngày. Theo chia sẻ của ông Syaiful, trong hai tuần qua có khoảng 50 bệnh nhân đã tử vong do COVID-19 khi nhập viện chưa đầy 24 tiếng đồng hồ và ông tin số thực tế ở khu vực còn cao hơn.
Cuối tuần rồi, một số báo cáo cho biết tại Bệnh viện đa khoa Dr Sardjito lớn nhất của tỉnh Yogyakarta có hàng chục bệnh nhân COVID-19 đã tử vong khi nguồn cung oxy của cơ sở này cạn kiệt. Trong khi đó ở Tây Java, Bệnh viện Chữ thập đỏ thuộc thành phố Bogor cũng đang vật lộn để đảm bảo đủ oxy, nguồn lực chẩn đoán, nhân viên y tế, thuốc men và trang thiết bị bảo vệ sức khỏe.
Tính đến nay, Indonesia ghi nhận xấp xỉ 2,4 triệu người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 63.000 trường hợp đã tử vong.
Brazil bắt cựu quan chức đòi tiền “hoa hồng” mua vaccine
Ngày 7-7, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Thượng viện Brazil đang điều tra những sai phạm của chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 đã ra lệnh bắt giữ một cựu quan chức Bộ Y tế nước này vì đã khai man.
Ủy ban trên đã triệu tập cựu Giám đốc Hậu cần của Bộ Y tế Roberto Dias để lấy lời khai. Tuy nhiên, cựu quan chức này được cho là đã gian dối khi bị thẩm vấn về những sai phạm trong quá trình mua vaccine. Ông Dias bị cáo buộc đã đòi tiền “hoa hồng” 1USD cho mỗi liều vaccine trong hợp đồng mua 400 triệu liều vaccine của AstraZeneca.
|
MAI QUYÊN