11/05/2023 - 08:59

Ý muốn rút khỏi “Vành đai, Con đường”? 

TRÍ VĂN

Bốn năm sau khi Ý ký thoản thuận tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc, Thủ tướng Giorgia Meloni được cho sẽ xác định lại lập trường của nước này trước các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) vào cuối tháng 5 tại Nhật Bản.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp với  Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại Bali (Indonesia) hồi tháng 11-2022. Ảnh: Reuters

Hưởng lợi rất ít từ BRI

Khi Ý đồng ý gia nhập BRI hồi năm 2019 thì đây là quốc gia G7 đầu tiên tham gia sáng kiến này. Ðộng thái của Rome được đưa ra ngay cả khi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu nóng lên cũng như xuất hiện sự cảnh giác của Liên minh châu Âu (EU) về mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Ðối với Trung Quốc, quyết định của Ý là một thắng lợi về mặt ngoại giao trong nỗ lực sử dụng BRI để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, đặc biệt là để chống lại Washington. Còn đối với Ý thì đây được coi là cơ hội để hồi sinh kinh tế. Nhưng giờ đây khi Bắc Kinh chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm triển khai BRI vào cuối năm nay thì có nhiều dấu hiệu cho thấy Rome có thể sẵn sàng rút lui khỏi sáng kiến trị giá ngàn tỉ USD này. Giới quan sát cho biết nếu Ý rút khỏi BRI và tuân theo cách tiếp cận tránh rủi ro của EU đối với Trung Quốc thì đó sẽ là một thất bại ngoại giao to lớn đối với Bắc Kinh.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Ý và Trung Quốc đã được ký kết dưới thời chính quyền thủ tướng lúc bấy giờ là Giuseppe Conte, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ phát triển cơ sở hạ tầng đến không gian và năng lượng. Tuy là quốc gia thành viên G7 duy nhất ký MoU với Trung Quốc nhưng Ý cho đến nay dường như hưởng lợi rất ít. Theo dữ liệu do Trung tâm Phát triển và Tài chính Xanh thuộc Ðại học Phúc Ðán cung cấp, các khoản đầu tư liên quan đến BRI ở Ý đã giảm từ mức 2,51 tỉ USD năm 2019 xuống còn chỉ 810 triệu USD năm 2020. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Ý giảm từ con số 650 triệu USD năm 2019 xuống còn 20 triệu USD năm 2020, không “xi nhê” gì so với số FDI của Trung Quốc đổ vào Ðức và Pháp vào thời điểm đó, lần lượt ở mức 1,9 tỉ USD và 1,8 tỉ USD.

Enrico Fardella, giám đốc ChinaMed, dự án nghiên cứu của Trung Quốc - Ý tập trung vào vai trò của Trung Quốc ở khu vực Ðịa Trung Hải, và là giáo sư tại Ðại học Naples L’Orientale, cho biết Ý không nhận thấy bất kỳ lợi ích kinh tế nào sau khi ký MOU với Trung Quốc. “Ý không thu được lợi ích kinh tế nào trong khi các nước EU khác từ chối ký MOU với Trung Quốc thì lại thu được nhiều lợi ích kinh tế hơn” - ông Fardella nói.

Nhiều dự án chỉ trên giấy

Ðầu tư của Trung Quốc vào châu Âu nói chung đã suy giảm trong vài năm qua, xuống còn 8,4 tỉ USD vào năm 2020, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Ðây được cho là kết quả của các biện pháp sàng lọc của lục địa già. Theo SCMP, mối lo ngại ngày càng tăng về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các tài sản chiến lược ở châu Âu đã khiến EU siết chặt các quy tắc sàng lọc đầu tư nước ngoài vào năm 2020. Ý cũng không ngoại lệ, thường xuyên dùng quyền hành để can thiệp, bảo vệ các công ty chiến lược. Cựu Thủ tướng Ý Mario Draghi đã nhiều lần sử dụng quyền hạn để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp quản các doanh nghiệp Ý trong các lĩnh vực chiến lược nhạy cảm, gồm 2 thương vụ liên quan đến chất bán dẫn.

Những lo ngại về đầu tư của Trung Quốc cũng xuất hiện tại cảng Trieste, cửa ngõ quan trọng dẫn đến hành lang đất liền nối biển Adriatic với biển Baltic. Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, doanh nghiệp bị Mỹ đưa vào danh sách đen hồi năm 2020 vì bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc, sẽ được phép giúp phát triển cơ sở hạ tầng tại cảng Trieste. Song, các nước phương Tây lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng hơn nữa ảnh hưởng ở châu Âu, như Bắc Kinh từng làm bằng cách mua lại cảng Piraeus ở Hy Lạp năm 2016.

Philippe Le Corre, thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á và là chuyên gia về quan hệ EU - Trung Quốc, cho biết việc nhiều dự án thuộc BRI chỉ nằm trên giấy kể từ khi MOU giữa Trung Quốc và Ý được ký kết là một trong số lý do khiến Rome muốn rút khỏi sáng kiến này. Mặt khác, Trung Quốc đang chuyển trọng tâm từ các dự án cơ sở hạ tầng lớn sang các dự án xanh, y tế và kỹ thuật số chất lượng hơn và dễ dàng tài trợ hơn nhằm quản lý tốt hơn các rủi ro chính trị và kinh tế.

Chia sẻ bài viết