09/11/2019 - 18:38

Ý, Đức quyết tâm chống biến đổi khí hậu 

Trong khi quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới là Mỹ đang bắt đầu thủ tục rút khỏi Thỏa thuận Paris thì một số đồng minh châu Âu lại ra sức bảo vệ môi trường. Năm tới, Ý sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa biến đổi khí hậu vào chương trình học bắt buộc tại các trường, trong khi Đức sẽ tăng mạnh giá khí thải C02.

Các bạn trẻ ở thành phố Venice (Ý) tuần hành kêu gọi bảo vệ môi trường hồi tháng 9. Ảnh: The Times

Theo đó, kể từ đầu năm học tới (tháng 9-2020), tất cả các trường công ở đất nước hình chiếc ủng đều phải dành khoảng 60 phút trong một tuần để giảng dạy những vấn đề về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Một nhóm các chuyên gia, gồm Jeffrey Sachs- Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard (Mỹ), sẽ là những người kiểm duyệt nội dung, hỗ trợ đội ngũ của Bộ Giáo dục Ý soạn thảo chương trình giảng dạy. Dự kiến đến tháng 1-2020, bộ này sẽ sẵn sàng đào tạo các giáo viên về nội dung trên.

Những bài học về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, ban đầu được dạy như một phần trong chương trình giáo dục công dân của học sinh, để rồi cuối cùng lồng ghép vào nhiều môn học khác. Thay vì tìm hiểu tên gọi và vị trí các địa danh như trước đây, những khóa học về địa lý sắp tới sẽ chuyển sang nghiên cứu ảnh hưởng của những hành động của con người đối với nhiều vùng khác nhau trên hành tinh. Đối với những trẻ từ 6-11 tuổi, Bộ Giáo dục Ý cân nhắc sử dụng mô hình chuyện cổ tích, trong đó nội dung chuyện lấy từ nhiều nền văn hóa khác nhau sẽ nhấn mạnh sự kết nối với môi trường. Học sinh cấp hai sẽ được học thêm về thông tin kỹ thuật, trong khi các anh chị ở cấp ba sẽ tìm hiểu sâu hơn về Chương trình nghị sự vì Sự phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hiệp Quốc. Do vậy, đề cương giảng dạy chi tiết cũng sẽ dựa trên 17 mục tiêu trong chương trình nghị sự này, bao gồm cách sống bền vững hơn, cách ngăn chặn ô nhiễm đại dương và cách đẩy lùi nghèo đói và bất công trong xã hội.

Cam kết trong Thỏa thuận Paris quá khiêm tốn

Phần lớn những cam kết của các nước trong Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 đều không đủ để phòng tránh những ảnh hưởng tồi tệ nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu, theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Sinh thái học toàn cầu.

Báo cáo cho rằng gần 75% cam kết là không hiệu quả, bao gồm “lời hứa” của nhiều quốc gia thải lượng lớn khí carbon là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Hàng chục nước khác, chẳng hạn như Úc, Nhật Bản và Brazil, được xếp hạng hiệu quả chỉ một phần. Trong số 184 cam kết đưa ra trong Thỏa thuận Paris, chỉ có 36 cam kết đủ tham vọng để giúp đạt mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bộ trưởng Lorenzo Fioramonti cho biết cả Bộ Giáo dục Ý sẽ thay đổi để đưa vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trở thành trung tâm của mô hình giáo dục. Thật ra, ông Fioramonti là người ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách xanh trong Chính phủ Ý. Hồi tháng 9, khi hàng triệu học sinh trên khắp thế giới tham gia các cuộc tuần hành “Ngày thứ sáu vì tương lai”, vị cựu giáo sư kinh tế này đã bị phe đối lập chỉ trích vì khuyến khích học sinh “cúp học” để hưởng ứng phong trào. Tuy nhiên giờ đây, kế hoạch đưa biến đổi khí hậu vào nội dung giảng dạy của ông đang được các nhà bảo vệ môi trường đón nhận tích cực.

Trong khi đó, Chính phủ Đức vừa phê chuẩn dự luật về hệ thống định giá khí thải carbon dioxide (CO2) cũng như lệnh cấm lắp đặt hệ thống sưởi ấm bằng dầu mới sau năm 2026.

Theo đó, kể từ năm 2021, mỗi tấn khí thải CO2 sẽ được định giá 10 euro và đến năm 2025, giá khí thải CO2 dự kiến sẽ tăng lên mức 35 euro/tấn. Ngoài ra, dự luật mới cũng quy định từ năm 2026 trở đi, mức giá khí thải sẽ do một thị trường ngoại hối về chứng chỉ carbon quy định và được giới hạn ở mức 60 euro/tấn. Tuy nhiên, mức giá này bị các nhà hoạt động bảo vệ môi trường phàn nàn là quá thấp, cho rằng mức phí khởi điểm nên tối thiểu là 40 euro/tấn, đồng thời viện dẫn mức phí 90 euro cho mỗi tấn khí CO2 thải ra từ hoạt động sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch tại Thụy Sĩ.

Song song đó, Chính phủ Đức cũng ban hành lệnh cấm lắp đặt hệ thống sưởi ấm mới chạy bằng dầu sau năm 2026, ngoại trừ tại những ngôi nhà không thể lắp đặt được hệ thống sưởi bằng khí đốt cũng như được sưởi ấm bằng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, những hộ gia đình đã chủ động thay hệ thống sưởi cũ chạy bằng dầu trong ngôi nhà của mình bằng một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường hơn sẽ được nhận được một phần thưởng “hấp dẫn”.

Berlin mới đây cũng đã trình bày dự thảo luật đầu tiên về các biện pháp bảo vệ khí hậu, cắt giảm lượng khí thải CO2, trong đó có việc giảm thuế đối với du lịch đường sắt và tăng thuế đối với các chuyến bay. Với kế hoạch hành động bảo vệ khí hậu này, Đức hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra vào năm 2030. Theo nghiên cứu do Trung tâm Juelich thực hiện,  Đức sẽ cần khoảng 1,85 nghìn tỉ euro để thực hiện mục tiêu giảm 95% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2050 so con số năm 1990.

Trong chuyến công du Ấn Độ đầu tháng 11 vừa qua, chứng kiến cảnh khói bụi mù mịt ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết viện trợ cho nước này 1 tỉ euro để chuyển sang “giao thông xanh”.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết